Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên:

Tiến bộ và nhân văn

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên vừa được Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ cuối tuần qua. Việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên (NCTN) thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên Hợp Quốc. Một trong những quy định của dự thảo Luật được đánh giá tiến bộ và nhân văn là áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội.

Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên

Pháp luật hiện hành điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên được quy định tản mạn ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với NCTN. Đây là cách tiếp cận không hiệu quả, gây nhiều khó khăn khi áp dụng. Để khắc phục hạn chế này, thì xây dựng một đạo luật chuyên biệt, toàn diện về tư pháp NCTN để bảo đảm quyền lợi cho NCTN phạm tội là rất cần thiết.

Được đánh giá là “sáng kiến pháp luật rất hay và ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn hiện nay”, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã quy định về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội. Các biện pháp gồm: khiển trách, xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; hạn chế khung giờ đi lại; cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình và giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Mục đích của việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả đối với NCTN; giúp NCTN nhận biết, sửa chữa sai lầm đã gây ra, tự rèn luyện và giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Cùng với đó, đẩy mạnh việc hòa giải giữa NCTN và bị hại hoặc cộng đồng bị ảnh hưởng do hành vi vi phạm của NCTN. Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của cha mẹ, gia đình, cộng đồng tham gia trực tiếp vào hoạt động xử lý chuyển hướng; hạn chế tác động tiêu cực của thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN; ngăn ngừa NCTN phạm tội mới, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích trong xã hội.

Việc luật hóa các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội trong dự thảo Luật là một bước tiến lớn vừa bảo đảm tính nghiêm khắc, răn đe vừa bảo đảm tính nhân văn của pháp luật nước ta. Quy định này của dự thảo Luật hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Qua kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp trong tháng 3.2024 tại 3 Trường Giáo dưỡng cho thấy, số lượng NCTN vi phạm pháp luật đang học tại trường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt (như: bố mẹ ly hôn, ly thân, nghiện ma túy, cờ bạc, bố mẹ phạm tội hoặc mồ côi cha mẹ...) chiếm tỷ lệ lớn; đây là vấn đề cần lưu tâm và cần có giải pháp để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng đặc biệt này.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, riêng trường giáo dưỡng ở Đồng Nai, có tới 64% các em rơi vào hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nếu như các em không ở hoàn cảnh này, thì các em sẽ không vi phạm pháp luật. Hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân dẫn đến hành vi lầm lỡ của các em. Nếu chúng ta có sự thông cảm, chia sẻ thì sẽ có hướng đi, hay trong dự án Luật gọi là biện pháp xử lý chuyển hướng để các em có điều kiện nhận ra sai lầm và phục hồi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Đồng tình với việc quy định biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt, đại biểu Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là những biện pháp mới có tính chất cộng đồng xã hội cùng tham gia khuyến khích NCTN phạm tội chấp hành tốt các biện pháp chuyển hướng để được rút ngắn thời gian xử lý chuyển hướng trước thời hạn.

Rút ngắn thời gian tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội

Trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội trong dự thảo Luật có quy định áp dụng biện pháp “giáo dục tại trường giáo dưỡng”.

Là cơ quan thẩm tra dự thảo Luật này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự hiện hành thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Lý giải về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định này nhằm sớm kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự với NCTN để nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn điều tra, thay vì phải kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm mới có thể được xem xét áp dụng như hiện nay. Quy định này cũng nhằm rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam NCTN phạm tội thay vì có thể bị tạm giam đến khi xét xử sơ thẩm xong như hiện nay (theo quy định hiện hành: NCTN phạm tội nghiêm trọng có thể bị tạm giam tới 8 tháng, phạm tội rất nghiêm trọng có thể bị tạm giam tới 11 tháng).

Ngoài ra, quy định như dự thảo Luật góp phần hiện thực hiện tốt nguyên tắc hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt với NCTN; hạn chế việc gián đoạn quyền học tập, học nghề nếu NCTN được xử lý chuyển hướng sớm. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo Luật cũng phù hợp với chủ trương mở rộng các trường hợp được áp dụng xử lý chuyển hướng nhưng vẫn bảo đảm trật tự an toàn xã hội, sự an toàn của cộng đồng và của nạn nhân do Trường giáo dưỡng là tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, là cơ sở giáo dục do Bộ Công an trực tiếp quản lý.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật là cần thiết, nhằm khắc phục bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành, thiếu chế tài xử lý với NCTN vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đồng thời đáp ứng yêu cầu nêu trong Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “Bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết cần đề ra các biện pháp xử lý những trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”.

Đồng tình với quy định các biện pháp chuyển hướng “giáo dục tại trường giáo dưỡng”, ĐBQH Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ sớm kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với NCTN phạm tội nhằm nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn đầu khi mới thực hiện hành vi phạm tội thay vì trước đây khi NCTN mới thực hiện hành vi phạm tội thì chuyển qua cơ quan điều tra xử lý, truy tố rồi mới ra được biện pháp xử lý. Quy định này nhằm giúp rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam đối với NCTN phạm tội, đại biểu Nguyễn Thanh Phong nêu quan điểm.  

Trẻ em là tương lai của đất nước, luôn là đối tượng được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, trẻ em bị hại trong các vụ án hình sự hay là những người phạm tội trong vụ án hình sự thì đều cần phải được quan tâm. Về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị trong quan điểm chỉ đạo cũng phải bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa việc bảo vệ quyền lợi của NCTN vi phạm pháp luật với NCTN là người bị hại trong vụ án hình sự; không nên thiên về bảo vệ cho NCTN phạm tội mà lơ là việc bảo vệ NCTN là bị hại.

Pháp luật

Lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm của Bảo hiểm nhân thọ Prudential
Vụ án

Lừa đảo bằng hình thức kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm của Bảo hiểm nhân thọ Prudential

Bộ Công an cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét nơi ở đối với Lê Thùy Dung (sinh năm 1985, trú tại phường Quang Trung, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng đầu tư vào các sản phẩm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy
Pháp luật

Nổi lên tình trạng sử dụng resort cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy

Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy do Bộ Công an tổ chức sáng ngày 18.11, thời gian qua, nổi lên tình trạng các đối tượng thuê, sử dụng khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy.

Quang cảnh buổi kiểm tra
Pháp luật

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Bảo đảm chuyên nghiệp và tạo điểm nhấn

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vừa dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Quốc phòng kiểm tra thực địa và nghe báo cáo công tác chuẩn bị Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 tại Sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đã đề nghị các đơn vị quyết tâm, nỗ lực, cố gắng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị để Triển lãm diễn ra theo đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu đề ra.

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
Tin tức

Vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy

Ngày 13.11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết: từ ngày 3-11.11, Đoàn công tác phụ nữ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã tham gia các hội thảo về vai trò của phụ nữ khi tham gia lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tại trụ sở Cảnh sát liên bang Úc (AFP).