Nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có sự phát triển bứt tốc theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Trong bối cảnh bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị trên thế giới, ngành nông nghiệp từng bước trở thành bệ đỡ, trụ cột vững chắc cho nền kinh tế. Song, sản xuất nông nghiệp cũng sản sinh ra lượng lớn các phụ phẩm nông nghiệp, đây được đánh giá là nguồn tài nguyên có giá trị kinh tế cao nếu được khai thác, sử dụng hiệu quả đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Tính chung toàn ngành, mỗi năm nước ta có khoảng160 triệu tấn phế, phụ phẩm trong nông nghiệp, trong đó có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (3,7%); gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%). Đây vừa là tiềm năng, vừa là bài toán cho phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
Cụ thể, với lĩnh vực trồng trọt hàng năm ước tính có khoảng 45 triệu tấn rơm khô, 8 triệu tấn trấu, 30 - 50 triệu tấn phụ phẩm thực vật khác như: lạc, ngô, đậu tương, sắn, mía, cà phê… Trong đó, có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được, chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.
Hiện tại, các phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu là đốt tại ruộng (chiếm 45,9%), làm thức ăn cho gia súc (chiếm 29,0%), bỏ lại tại ruộng (chiếm 8,6%), ủ phân (chiếm 5,0%), sử dụng cho trồng trọt (chiếm 4,1%), còn lại 7% được sử dụng cho các mục đích khác (củi trấu, nấm, độn chuồng...). Riêng với việc đốt bỏ rơm rạ tại ruộng, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm tăng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Ðối với phụ phẩm trái cây như hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng, có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại chính những vườn xoài, thanh long, dưa hấu… nhưng hiện đang bị bỏ đi, thậm chí không xử lý tốt còn gây ô nhiễm môi trường. Ðây được đánh giá là lãng phí trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, phụ phẩm từ chế biến thủy sản hiện có khoảng 1 triệu tấn, chiếm 15% - 20% tổng sản lượng thủy sản chế biến nhưng vẫn chưa được khai thác thực sự hiệu quả, gây ảnh hưởng đến môi trường. Còn với ngành chăn nuôi thì mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ, còn lại đang bị bỏ phí.
Trên thực tế, các phụ phẩm trong trồng trọt đã được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ... Chất thải chăn nuôi được quản lý bằng nhiều cách: ủ phân compost, xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học... Bột xương, bột gia cầm, bột lông vũ, mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi... Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Hiệu quả khai thác chưa tương xứng với tiềm năng
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, nhiều chế phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt tại đây đã được khai thác triệt để, cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt nhiều mô hình đang được lan tỏa, nhân rộng. Việc triển khai mô hình tự làm phân bón từ chất thải trồng trọt (lá, củ, quả và thân cây mềm), chất thải vật nuôi và rác thải hữu cơ không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên để sản xuất phân bón sinh học, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, giúp nông dân tiết kiệm được chi phí đầu tư, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai thông tin, đến tháng 8.2022 toàn tỉnh có khoảng 600 hộ nông dân ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt và hơn 100 hộ chăn nuôi, trang trại ứng dụng kỹ thuật trên để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Qua đánh giá của nông dân, ứng dụng kỹ thuật này giúp cây trồng sinh trưởng tốt, sức khỏe người làm vườn được bảo vệ và giảm mùi hôi trong chăn nuôi.
Ngoài sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp cho canh tác, ông Hồ Sáu ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai còn sản xuất thành công thức ăn cho bò sữa từ thân cây ngô, vỏ đậu, bã mía… trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của ông xuất khẩu trên 3.000 tấn thức ăn cho bò sữa sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với giá 115 USD/tấn, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động trên địa bàn mỗi năm. Hay như ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình đã tổ chức sản xuất thành công bẹ chuối sấy khô xuất khẩu, mỗi thân chuối khi tách phơi khô sẽ đạt từ 1,3 đến 1,7kg thành phẩm, trung bình 1 héc ta chuối người dân có thể thu nhập thêm được trên 20 triệu đồng từ thân chuối.
Chia sẻ thông tin tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: cơ hội và thách thức”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhờ áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như: mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được sử dụng gần như triệt để.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ. Diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330 nghìn mét vuông. Tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi heo hữu cơ. Ngoài ra các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm.
Song, ông Trần Lâm Sinh cũng chia sẻ những khó khăn như: hành lang pháp lý, nguồn tài chính, công nghệ tái chế, quản lý môi trường, nguồn nhân lực… trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời khẳng định, Đồng Nai đang tiếp tục tập trung nâng cao nhận thức người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc hỗ trợ vốn, các chính sách ưu tiên và liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị…