Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19

“Tiêm đến đâu an toàn đến đấy”

- Thứ Hai, 29/03/2021, 06:23 - Chia sẻ
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đối với ngành y tế các địa phương tại Hội nghị trực tuyến “Bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở tiêm chủng” do Bộ Y tế vừa tổ chức. Theo báo cáo, sau 19 ngày triển khai, vaccine Covid-19 đã được tiêm cho 44.000 người, đạt hơn 50% tổng số liều vaccine tiêm trong đợt 1. Mọi phản ứng sau tiêm của người dân đều nằm trong khuyến cáo của WHO về vaccine và trong khả năng kiểm soát.

Bảo đảm vaccine cho tuyến đầu

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khan hiếm nguồn cung vaccine toàn cầu hiện nay là thách thức với các nước. Theo kế hoạch trong tháng 4.2021, Việt Nam sẽ nhận khoảng 1,4 triệu liều vaccine AstraZeneca đầu tiên qua cơ chế COVAX. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan từ nhà cung cấp nên lộ trình cung ứng sẽ chậm lại khoảng gần 1 tháng. Điều này có nghĩa là trong 3 tuần đầu tháng 4 sẽ không có vaccine của COVAX hay bất kỳ vaccine nào khác.

Tiêm vaccine cho cán bộ y tế ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Thiếu thốn là vậy nhưng người đứng đầu ngành y tế vẫn khẳng định, chương trình tiêm chủng vẫn sẽ nỗ lực hoàn thành đợt 1 cho các đối tượng ưu tiên. Trong đợt 1, Việt Nam đã nhận 117.600 liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ngoại trừ 600 liều vaccine Covid-19 được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định, 30.000 liều được cấp cho 2 Bộ gồm Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, số 87.000 liều còn lại được cấp cho 13 tỉnh/thành và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Theo thông Tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến 16 giờ ngày 27.3.2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 44.278 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.

Cụ thể, tỉnh Hải Dương có 17.308 người; TP. Hà Nội là 7.584 người; TP. Hải Phòng 1.121 người; tỉnh Hưng Yên là 2.752 người; tỉnh Bắc Ninh 2.869 người; tỉnh Bắc Giang là 3.137 người; tỉnh Hòa Bình 1.670 người; 1.078 người tại tỉnh Hà Giang; tỉnh Điện Biên có 858 người; TP. Đà Nẵng với 117 người; tỉnh Khánh Hòa là 105 người; tỉnh Gia Lai có 1.513 người; 1.405 nguời tại TP Hồ Chí Minh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 87 người; tỉnh Bình Dương 1.854 người; tỉnh Long An có 244 người; tỉnh Quảng Ninh là 10 người; tỉnh Đồng Tháp có 286 người; tỉnh Tây Ninh là 280 người. 

Cần dẹp bỏ tâm lý lo ngại

Trong sử dụng vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, vừa qua có tâm lý e ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm. Thực tế, tất cả vaccine kể cả vaccine cũ đều có phản ứng. Tổ chức Y tế thế giới phân ra 2 loại phản ứng thông thường và phản ứng không mong muốn nặng sau tiêm. Với phản ứng thông thường như sốt, đau mỏi cơ… sẽ hết nhanh, tỷ lệ này khá cao.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, Bệnh viện Bạch Mai đã rà soát kỹ tất cả trường hợp phản ứng nặng hơn bình thường, không ghi nhận bất cứ trường hợp nào có hiện tượng đông máu sau tiêm. Tất cả loại vaccine đều có phản ứng sau tiêm và không vì lý do đó mà chậm lại hay e ngại vaccine. Những phản ứng không mong muốn sau tiêm vaccine AstraZeneca ở nước ta đều nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và WHO. Do đó, ngành y tế các địa phương "phải hết sức bình tĩnh và trên quan điểm xử lý cao hơn một mức". Đồng thời, hội đồng chuyên môn và các cơ quan cần đánh giá tổng thể, chi tiết các trường hợp phản ứng không mong muốn sau tiêm.

“Với các cơ sở y tế, điều quan trọng nhất là xử lý ngay và cao hơn một mức với các trường hợp có biểu hiện phản ứng sau tiêm để bảo đảm an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế xác định tiêm đến đâu an toàn đến đấy" - ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Công bố Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18.3.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 của Astrazeneca; Hướng dẫn tổ chức tiêm chủng vaccine Covid-19; Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 của Astrazeneca; Hướng dẫn xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 19.12.2017 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

Cùng với công tác tiêm chủng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả địa phương phải triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đao Quốc gia và Bộ Y tế; phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cơ sở vật chất, năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Theo đó, cần phải thuộc lòng những vấn đề này để nếu dịch xảy ra sẽ không luống cuống.

"Xử lý càng nhanh càng hạn chế được mức độ ảnh hưởng của Covid-19 với cộng đồng. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ liên tục đề nghị "truy vết thần tốc, xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa trên diện hẹp" để hạn chế tác động của Covid-19 với người dân" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị.

Tùng Dương