Tiêm chủng mở rộng ngăn chặn bệnh từ gốc

- Thứ Sáu, 15/11/2013, 10:37 - Chia sẻ
Sau gần 30 năm đi vào cuộc sống, công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được thanh toán và loại trừ. Thế giới đã ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và ngành y tế trong hoạt động TCMR.

Kể từ năm 1982, chương trình TCMR đã được ngành Y tế thí điểm triển khai phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em Việt Nam, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm miễn phí cho trẻ em để phòng các như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm não Nhật Bản, lao ,viêm gan B, tả, thương hàn… Nhờ đó, tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã giảm rõ rệt. Hàng triệu trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến và hàng trăm nghìn trẻ em không bị chết hoặc tàn phế vì các bệnh này.

So sánh với năm 1984, năm bắt đầu triển khai TCMR  trên phạm vi cả nước, đến nay tỷ lệ mắc bệnh Sởi đã giảm 23 lần số ca mắc bệnh, tỷ lệ mắc bạch hầu giảm 167 lần số ca mắc bệnh, tỷ lệ mắc ho gà giảm 428 lần số ca mắc bệnh; uốn ván sơ sinh cũng đã được loại trừ; bệnh sởi cũng sẽ được thanh toán vào năm 2015. Đặc biệt bệnh đậu mùa đã được thanh toán vĩnh viễn năm 1978; bệnh bại liệt mà hàng năm gây tử vong cho trên 150 cháu và hàng nghìn cháu mang dị tật suốt đời cũng đã được thanh toán vào năm 2000.

Đáng chú ý, Việt Nam đã thành công với chiến lược tự túc sản xuất vaccine từ những công ty sản xuất vaccine và sinh phẩm nội địa; Trên 10 loại vaccine đã được sản xuất tại Việt Nam và đã đáp ứng hơn 70% nhu cầu vaccine sử dụng trong chương trình TCMR là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, và thương hàn. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm một số vaccine thế hệ mới như: Quai bị, Hib, Rubella, dại tế bào, cúm gia cầm H5N1, Cúm mùa H1N1. 
Cho đến nay lợi ích to lớn của việc tiêm chủng cho trẻ đã thấy rõ, trong đó có  8 loại vaccine phòng bệnh cho trẻ nhỏ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ, viêm gan siêu vi B, bại liệt, sởi được tiêm miễn phí ở tất cả các cơ sở y tế trên cả nước. Được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định của Bộ Y tế sẽ góp phần lớn vào việc bảo vệ sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Nếu trẻ nhỏ được tiêm chủng đúng lịch thì đáp ứng miễn dịch tốt nhất. Đơn cử như: tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới, và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006, trong 193 quốc gia có 163 (84%) nước triển khai tiêm vaccine viêm gan B trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó 81 (42%) quốc gia thực hiện tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh, kể cả các nước đã phát triển như Mỹ, Canada... Việc tiêm vaccine thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85 - 90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50 - 57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Sự thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng đã được khẳng định, trên bình diện thế giới, Tổ chức Y tế thế giới ước tính trung bình có khoảng 2,5 triệu trẻ em được cứu sống. Ở Việt Nam, sau khoảng 30 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ. Đáng chú ý, theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong. Để đạt được những thành quả như vậy là sự nỗ lực lớn lao của toàn ngành y tế trong việc đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao, tuân thủ những quy định về an toàn tiêm chủng…

Tiêm chủng mở rộng mang lại lợi ích lớn, tuy nhiên đã và đang tồn tại không ít khó khăn, bất cập. Trong đó có vấn đề về tai biến do vaccine đang trở thành một thách thức lớn đối với chương trình TCMR của ngành y tế.  Một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận 1.771 trường hợp tử vong sơ sinh, trong đó 18 tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B và 17 có giải phẫu tử thi cho thấy nguyên nhân tử vong bao gồm: 12 hội chứng đột tử trẻ sơ sinh, 3 nhiễm trùng và xuất huyết não, ngạt thở, tim bẩm sinh là 1 trường hợp. Số liệu này còn cho thấy tiêm vaccine viêm gan B không gây ra tử vong sơ sinh. Ngày nay do hệ thống thông tin rất nhanh  nhạy vì vậy khi có những trường hợp phản ứng sau tiêm càng làm tăng thêm tâm lý lo ngại của các bà mẹ và nhân viên y tế cũng như gây áp lực cho dư luận. Thêm vào đó, những khó khăn về cơ sở vật chất, những bất cập trong các chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế, đặc biệt cán bộ vùng sâu, vùng xa làm công tác y tế dự phòng chưa phù hợp, chưa khuyến khích động viên được người trực tiếp làm công tác này…

Để nâng cao chất lượng và bảo đảm chương trình TCMR tiếp tục được cộng đồng ủng hộ vì sức khoẻ của trẻ em cũng như tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ bên cạnh việc tăng cường giám sát quy trình tiêm chủng an toàn ở cả Trung ương và các địa phương, ngành y tế đã và đang chấn chỉnh lại hệ thống tiêm chủng, đẩy mạnh việc tập huấn thường xuyên cho cán bộ TCMR cũng như tiêm chủng dịch vụ về các quy định an toàn tiêm chủng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn cả nước nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng, chất lượng tiêm chủng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trong để đạt được thành công lớn trong công tác TCMR đó là sự đồng thuận của toàn dân, khi các bà mẹ hiểu rõ và  ý thức được vai trò quan trọng của TCMR đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm phòng đúng quy định là đã góp phần bảo vệ sức khoẻ cho con em mình và cho cộng đồng.

Hoàng anh