Tiềm ẩn nhiều rủi ro vĩ mô?
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay đã nằm trong tầm tay với sự tăng tốc đầy bất ngờ trong quý III. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra cảnh báo về những rủi ro vĩ mô hết sức đáng chú ý.

TS. LÊ ĐĂNG DOANH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: 7,46% là con số đột ngột
Tôi cho rằng tăng trưởng GDP quý III đạt 7,46% là con số đột ngột, cần phải được xem xét bình tĩnh hơn về các yếu tố nợ công, bội chi ngân sách và các công trình đầu tư kém hiệu quả.
Ngân sách và nợ công là vấn đề dài hạn của nền kinh tế mà Chính phủ đang “xoay xở” bằng biện pháp tăng thu. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân của thu hụt ngân sách và nợ công nằm ở chi ngân sách. Chi ngân sách vừa tăng cao, lại mất cân đối giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Vì vậy, nếu chỉ tập trung tăng thu thì nền kinh tế sẽ không lạc quan trong tương lai. Có ý kiến viện cớ tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam đang giảm để tăng thuế và viện dẫn những thông lệ quốc tế về thu ngân sách ở các nước phát triển, nhưng lại quên viện dẫn những thông lệ quốc tế trong chi tiêu ngân sách.
Tôi hiểu rằng Chính phủ nếu không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì tất cả chỉ tiêu của Quốc hội về bội chi ngân sách, nợ công đều sẽ vượt trần, không giữ các chỉ tiêu khác đạt an toàn. Như vậy, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng với bất kỳ giá nào sẽ không dài hơi được. Mục tiêu tăng trưởng cần phải được bổ sung với các chỉ tiêu về chất lượng như giá trị gia tăng các sản phẩm hàng hóa; các doanh nghiệp nội địa và đặc biệt hàm lượng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh.

PGS.TS. PHẠM THẾ ANH, Đại học Kinh tế Quốc dân: Quá phụ thuộc vào FDI khiến tăng trưởng không ổn định
Với mức tăng trưởng nhảy vọt 7,46% trong quý III thì việc GDP tăng cả năm 6,7% không còn khó. Quý IV chỉ cần tăng trưởng 7,2% cũng đã có thể đạt được mục tiêu. Mà theo thông lệ, tăng trưởng quý 4 thường cao hơn quý III.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng bất thường trong quý III tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là khi phụ thuộc quá nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, tổng vốn đầu tư thực hiện của toàn bộ nền kinh tế trong quý III ước đạt 453,9 nghìn tỷ đồng, bằng 116,8% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Sự phục hồi này chủ yếu đến từ khu vực FDI với tổng số vốn đạt 105 nghìn tỷ đồng, tăng 27,7%. Tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào FDI sẽ không tạo được nhiều việc làm cho khu vực nội địa. Hơn nữa, giá trị sản xuất của khu vực FDI lại phụ thuộc chủ yếu vào một số ít doanh nghiệp như Samsung, Formosa… Ngoài ra, tỷ giá trong 9 tháng qua có được sự ổn định chủ yếu nhờ vào giải ngân của khối doanh nghiệp FDI hơn là các tập đoàn nội địa lớn. Nếu quý sau không có được điều đó và khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu cao thì sẽ kéo theo bất ổn của tỷ giá.
Như vậy, thành tích tăng trưởng là khá nhạy cảm với kết quả kinh doanh của một vài doanh nghiệp và khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

TS. NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR): Nguy cơ lạm phát tăng cao
Mức tăng trưởng cao bất thường trong quý III phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế.
VEPR dự báo tăng trưởng quý IV sẽ đạt 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên 6,64%. Đồng thời, với đà phục hồi của giá thực phẩm, sức ép mục tiêu tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn, lộ trình tăng giá dịch vụ công, sự trao nhiều quyền hạn hơn cho EVN trong điều chỉnh giá điện và các nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm, chúng tôi cho rằng lạm phát quý IV sẽ tăng lên mức 4,16%, vượt mục tiêu 4% QH đặt ra và cao hơn 1,97 điểm phần trăm so với dự báo của VEPR trong quý trước. Do đó, Chính phủ cần tập trung hơn cho yếu tố ổn định bền vững, thay vì theo đuổi mục tiêu ngắn hạn như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc ép thúc đẩy đầu tư công...

TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, Chuyên gia kinh tế cao cấp: Rủi ro trên thị trường tài chính rất cao
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III rất ấn tượng, giúp GDP năm nay có thể đạt 6,7% như mục tiêu. Tuy vậy, rủi ro về mất cân đối trên thị trường tài chính là rất cao. Hết 9 tháng, tín dụng tăng trưởng 11,02% - cao so với các năm trước và vượt mức tăng trưởng của huy động vốn. Để tăng trưởng 6,7%, thông thường tín dụng phải tăng gấp 2,5 lần, tức là khoảng 16,7%. Nhưng Chính phủ dự định đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21 - 22%. Điều này có nghĩa trong 3 tháng cuối năm phải đưa vào lưu thông 600 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các ngân hàng sẽ phải huy động một nguồn vốn rất lớn bằng cách tăng lãi suất huy động. Điều này rất khó khăn cho các ngân hàng nhỏ đang “đói” vốn và khiến nền kinh tế phải đối diện với tình trạng lãi suất cho vay cao. Khả năng từ nay đến cuối năm, cả lãi suất huy động và cho vay đều không giảm được.
Bên cạnh đó, việc đẩy tăng trưởng tín dụng lên quá cao có thể khiến dòng tiền đổ vào bất động sản và chứng khoán. Đây là hai thị trường đầy rủi ro, tạo ra bong bóng thị trường rất lớn mà chúng ta đã phải trả giá trong thời gian qua. Do vậy, chúng ta cần phải điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, có thể giảm từ 21% xuống 18%.