Cách thức áp dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần bản án hình sự ở mỗi nước khác nhau nhưng đều có điểm chung là hướng vào tài sản bất minh (phi pháp, không rõ nguồn gốc): Những tài sản đương sự không giải trình được nguồn gốc thì sẽ bị tịch thu. Theo đó, các biện pháp dân sự đã được nhiều nước áp dụng bổ sung cho biện pháp hình sự trong việc thu hồi tài sản bất minh nói chung và tài sản tham nhũng nói riêng.
Một đạo luật của Pháp cho phép AGRASC (cơ quan quản lý và thu hồi tài sản bị thu giữ, trực thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính và Ngân sách) tịch thu tài sản phi pháp và bán đấu giá ngay cả trước khi có phiên tòa xét xử; đồng thời nới rộng những loại tài sản có thể bị niêm phong và tịch thu. Theo đó, người bị tịch thu cần phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì mới có thể lấy lại được tài sản bị niêm phong. Năm 2015 và 2016, AGRASC đã niêm phong rất nhiều dinh thự, tài khoản ngân hàng và xe hơi đắt tiền, trị giá hơn 800 triệu euro. Trong đó, đã thu được 480 triệu euro từ việc bán đấu giá tài sản phi pháp trong năm 2015.
Ở Anh, thủ tục tịch thu tài sản tham nhũng được khởi xướng theo Đạo luật Các thủ tục tội phạm 2002. Đạo luật này đưa ra nhiều loại thủ tục gồm: Thứ nhất, thủ tục tịch thu. Trong đó, lệnh tịch thu là án lệnh của tòa án yêu cầu một bị can bị kết án phải trả khoản tiền nhất định cho nhà nước vào một ngày nhất định. Thứ hai, thủ tục tịch thu tiền mặt (được áp dụng tại Anh và xứ Wales) diễn ra tại tòa án có quyền kháng cáo lên tòa án quân sự, được cảnh sát hoặc hải quan đưa ra. Thứ ba, thủ tục thu hồi dân sự do Cơ quan Tội phạm Quốc gia đưa ra. Cả ba thủ tục này đều không đòi hỏi phải có bản án hình sự đưa ra trước.
Tháng 4.2014, Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị về việc phong tỏa và tịch thu tiền thu được do phạm tội ở Liên minh châu Âu. Chỉ thị cho phép tịch thu tài sản mà không có kết án hình sự trong những trường hợp rất cụ thể. Điều 4 của Chỉ thị nêu rõ, các quốc gia thành viên thực hiện những biện pháp cần thiết để tịch thu toàn bộ hoặc một phần công cụ, tiền thu được hoặc tài sản có giá trị tương ứng với các công cụ hoặc khoản thu nhập đó. Những tài sản này sẽ được đưa ra phiên kết tội hình sự cuối cùng, có thể theo thủ tục xét xử vắng mặt.
Ở Mỹ, trong một vụ việc mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết thì sẽ mất nhiều thời gian, nên lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án, nhằm tịch thu khoản tiền hơn 1 tỷ USD. Theo Luật Tịch thu tài sản dân sự, các cơ quan chức năng của Chính phủ như IRS hay Bộ Tư pháp có quyền tịch thu tài sản nếu bị nghi vấn có hành vi tội phạm hoặc trái pháp luật, mà không cần chờ bản án hình sự.
Ở Singapore, pháp luật trao quyền cho Cục Điều tra tham nhũng điều tra bất kỳ đối tượng nào sở hữu nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với nguồn thu nhập của họ mà không thể giải trình. Việc người đó sở hữu tiền và tài sản mà không thể giải thích có thể được coi là bằng chứng rằng họ đã nhận tiền hay tài sản đó “bằng cách tham ô hay nhận đút lót dưới dạng tiền thưởng” và khoản tiền hoặc tài sản đó cũng có thể tịch thu chỉ bằng lệnh của tòa chứ chưa cần kết án.
Có thể thấy, các nước đều có cơ chế nhất định nhằm tịch thu tài sản phi pháp, có nguồn gốc không rõ ràng bằng nhiều con đường dù có quy định hành vi làm giàu bất chính là tội phạm hay không. Với nguyên tắc, cứ là tài sản bất minh thì tịch thu, sau đó nếu điều tra tài sản có nguồn gốc tham nhũng thì cá nhân đó sẽ bị xử lý hình sự. Cơ chế này phát huy hiệu quả trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.