Tích hợp các chuyên đề giám sát

- Thứ Tư, 27/11/2019, 08:03 - Chia sẻ
Có thể khẳng định, hoạt động khảo sát, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh Kon Tum thời gian qua ngày càng thực chất và hiệu quả, tác dụng rõ nét, được cử tri đánh giá cao. Kết quả này đến từ quy trình và cách thức tổ chức tiếp tục được đổi mới. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tích hợp các chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh vào 1 đợt để giám sát, khảo sát ở cùng 1 địa phương, tại cùng 1 thời điểm; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa giám sát trực tiếp với xem xét báo cáo của các đơn vị, địa phương.

Hầu hết kiến nghị sau giám sát được giải quyết

Để hoạt động khảo sát, giám sát chuyên đề đạt chất lượng, hiệu quả, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh Kon Tum đã xem xét những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cử tri, nhân dân quan tâm cũng như những vấn đề lớn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để ban hành nghị quyết về chương trình khảo sát, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh.

Các nội dung khảo sát, giám sát chuyên đề tập trung vào một số vấn đề như: Giám sát quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; về quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum; tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; về giải quyết các vụ, việc dân sự; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; thực hiện chính sách đối với đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016; chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn…


Ban Pháp chế HĐND tỉnh Kon Tum khảo sát việc xây dựng Thủy điện Đăk Mi, huyện Đăk Glei

Quy trình và cách thức giám sát, khảo sát tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, nhằm giảm thiểu các cuộc làm việc với cơ sở, Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đã quyết định tích hợp các chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh vào 1 đợt để khảo sát, giám sát  ở cùng 1 địa phương, tại cùng 1 thời điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Kết hợp chặt chẽ giữa giám sát trực tiếp với xem xét báo cáo của các đơn vị, địa phương. Qua khảo sát, giám sát, Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh đã nắm bắt được thực tế những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, địa phương. Từ đó, đã cung cấp được nhiều thông tin sát thực và đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung để Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan kịp thời xem xét, giải quyết, đề ra những giải pháp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời, hỗ trợ cho các địa phương, cơ sở thực hiện hiệu quả hơn với từng chuyên đề được giám sát, khảo sát.

Có thể khẳng định, hoạt động khảo sát, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh Kon Tum thời gian qua ngày càng thực chất và hiệu quả, có tác dụng rõ nét, được dư luận, cử tri đánh giá cao. Các kiến nghị sau khảo sát, giám sát của HĐND đã được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị. Bên cạnh đó, Thường trực, các ban HĐND tăng cường khảo sát, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận được ban hành sau khảo sát, giám sát. Vì vậy, hầu hết các kết luận qua khảo sát, giám sát của HĐND, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Tích cực theo dõi việc thực hiện

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận: Một số kiến nghị sau khảo sát, giám sát còn chưa rõ về trách nhiệm, chưa đưa ra yêu cầu cụ thể để khắc phục. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị chưa thường xuyên, kết quả giải quyết một số nội dung chưa đạt như mong muốn. Đối với những kiến nghị sau khảo sát, giám sát chậm được giải quyết, hoặc giải quyết chưa thỏa đáng chưa được thực hiện tái giám sát ngay hoặc chưa đề xuất được các nội dung để chất vấn, giải trình tại phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND.

Thực tế, muốn khảo sát, giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, trước hết cần lựa chọn vấn đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, tránh dàn trải. Trong đó, cần tập trung vào những nổi cộm, bức xúc cử tri, nhân dân quan tâm cũng như những vấn đề lớn có tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng được khảo sát, giám sát báo cáo phải cụ thể, rõ ràng và gửi sớm để cho đối tượng chuẩn bị chu đáo (ít nhất 45 ngày kể từ ngày tiến hành khảo sát, giám sát). Yêu cầu đối tượng được khảo sát, giám sát gửi báo cáo sớm (ít nhất 20 ngày kể từ ngày tiến hành khảo sát, giám sát) để các thành viên đoàn tập trung nghiên cứu kỹ báo cáo của các địa phương, đơn vị, đối chiếu với đề cương của đoàn khảo sát, giám sát và các quy định liên quan… kịp thời báo cáo, đề xuất trưởng đoàn.

Bên cạnh đó, các kiến nghị sau khảo sát, giám sát phải cụ thể, có trọng tâm, đúng thẩm quyền và khả thi. Đặc biệt, phải xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị là nội dung quan trọng trong quá trình khảo sát, giám sát. Đối với những kiến nghị chậm được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng phải tái giám sát ngay hoặc đề xuất các nội dung để chất vấn, giải trình tại phiên họp hàng tháng của Thường trực HĐND tỉnh.

HẢI MINH