Thảo luận Tổ trước Kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bến Tre

Tích cực đóng góp nhiều ý kiến chất lượng

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Phát huy kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, việc thảo luận tổ trước kỳ họp để tập trung góp ý vào các dự thảo nghị quyết được HĐND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục thực hiện. Thảo luận về tài liệu Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, với tinh thần trách nhiệm, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, thiết thực vào 28 dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, nhất là với Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre đơn vị huyện Bình Đại thảo luận tài liệu kỳ họp tại điểm cầu của tỉnh
Ảnh: Mỹ Phương

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao đạt chỉ tiêu phát triển kinh tế

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, hầu hết các Tổ đại biểu đều cho rằng: Các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra trong dự thảo nghị quyết khá cao (Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng 8 - 8,5% trở lên), trong bối cảnh dự báo trong năm 2022 tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh và xâm nhập mặn có thể kéo dài. Do đó, đề nghị các ngành, các cấp phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, bằng các giải pháp linh hoạt, hiệu quả thì mới có thể triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cần tính toán kỹ, xây dựng kịch bản cụ thể trên cơ sở lợi thế của địa phương, dự báo tình hình, đổi mới phương thức lập kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể về trách nhiệm và phát huy vai trò của các sở, ngành và từng địa phương để thực hiện. Có giải pháp thu hút đầu tư để tạo nguồn thu cho ngân sách. Tăng cường giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, do đây là yếu tố quan trọng, vấn đề có ý nghĩa chiến lược phát triển bền vững.

Cũng theo các đại biểu, để đạt mục tiêu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và cả nước năm 2030, cần đưa ra các giải pháp đột phá ở một số lĩnh vực như đô thị, du lịch, khoa học công nghệ, thủy sản... để tập trung thực hiện. Đồng thời, đề ra giải pháp tập trung phát triển các khu công nghiệp, nhất là công nghiệp điện gió và giải pháp thực hiện hiệu quả ngành công nghiệp. Chuẩn bị quỹ đất sạch để mời gọi đầu tư cho các lĩnh vực này.

Đặc biệt, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các đại biểu đề xuất bổ sung các giải pháp: Tăng cường tập huấn lực lượng của các Trạm y tế lưu động đáp ứng nhu cầu điều trị các ca F0 tại nhà; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong phòng, chống dịch; quan tâm tiêm mũi 2 đạt trên 75% dân số, tiến tới thực hiện tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, bổ sung nội dung nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong triển khai các phương án phòng, chống dịch theo quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp.

Kiến nghị gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân

Bên cạnh góp ý trực tiếp vào các điều, khoản của Dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre còn góp ý các vấn đề về kinh tế - xã hội để UBND tỉnh xem xét, quan tâm thực hiện. Đó là việc đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp quan tâm xác định hệ số giá đất trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án, công trình, bảo đảm quyền lợi, mức sống của người dân có đất bị thu hồi bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Các đại biểu tổ Chợ Lách cho rằng, năm 2021 tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực, tận dụng mọi thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội. Dịch Covid-19 tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, riêng công nghệ thông tin, cải cách hành chính có bước phát triển tốt do ít chịu ảnh hưởng. Năm 2022, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn đan xen như hạn mặn, dịch Covid-19... nên doanh nghiệp, người dân tiếp tục bị ảnh hưởng. Vì vậy, tỉnh cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân, trong đó các gói tín dụng cần được xem xét ưu tiên. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ cá thể phục hồi chậm hơn nên cần có chính sách hỗ trợ sớm. Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương cần có gói hỗ trợ về lãi suất cho nông dân để tiếp tục an tâm sản xuất, không bị gánh nặng nợ vay; đồng thời, đề nghị tỉnh cần xem xét ban hành chính sách để ổn định sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tổ Mỏ Cày Bắc thì cho rằng, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQCP của Chính phủ, Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh còn chậm. Một số đối tượng tham gia các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh như dừa, hải sản, hoa kiểng chưa được hỗ trợ. Vì vậy, thời gian tới, khi ban hành chính sách đề nghị UBND tỉnh cần xem xét tất cả các đối tượng bị tác động, tham vấn các ngành có liên quan và nên tập trung vào các đối tượng chưa được hỗ trợ.

THÁI HÒA