Tỉ lệ “chọi” chỉ là yếu tố tham khảo

Khải Minh 24/05/2019 15:07

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu các trường đại học tăng lên 7,56%, cùng với đó, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm 2019 của một số trường đại học lớn tăng mạnh so với những năm trước, khiến tỉ lệ “chọi” tăng cao.

Chỉ tiêu tuyển sinh tăng

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tổng chỉ tiêu các trường đại học tăng lên 7,56% so với năm 2018. Lý giải về việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, nguyên nhân do năng lực đào tạo của các trường tăng lên, khi năng lực đào tạo của các trường tăng lên thì chỉ tiêu tuyển sinh cũng tăng. Thứ hai là do số lượng trường đạt kiểm định chất lượng tăng lên so với năm 2018, với trên 120 trường, số trường đạt kiểm định tăng nên chỉ tiêu của các trường cũng tăng lên. Thứ ba là mùa tuyển sinh năm 2019, Bộ GD-ĐT bước đầu tính đến bù đắp chỉ tiêu cho một số trường có tỷ lệ sàng lọc đáng kể trong quá trình đào tạo để quản lý chuẩn chất lượng đầu ra tốt hơn, tạo ra sự cạnh tranh trong quá trình học.

Trong bối cảnh tổng chỉ tiêu tuyển sinh tăng, một số ý kiến lo ngại, việc các trường tự chủ tuyển sinh sẽ làm nảy sinh tình trạng một số trường, nhất là các trường nhóm dưới, đưa ra các tổ hợp lạ nhằm vơ vét thí sinh. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, có tổng số 9 môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia. Về lý thuyết, sẽ có thể hình thành trên 400 tổ hợp, trên thực tế, có 138 tổ hợp có thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 90% nguyện vọng của thí sinh là ở các tổ hợp truyền thống, gồm các khối A, B, C, D và A1. Tổng của 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm 10% thí sinh đăng ký, do đó, có trường nghĩ ra rất nhiều tổ hợp nhưng thí sinh đăng ký không nhiều.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng thừa nhận, có hiện tượng một số trường có biểu hiện vơ vét thí sinh, nhưng những trường không đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ khó thu hút người học. “Thực tế đã cho thấy điều đó, năm 2018, có đến 10 trường có dưới 20 thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học. Như vậy, trường có muốn vơ vét thí sinh cũng khó. Những trường không đảm bảo chất lượng chắc chắn sẽ không thể tồn tại, phát triển được” - bà Phụng nói.

Tỉ lệ “chọi” lên đến 1/20

Cùng với việc chỉ tiêu tuyển sinh tăng thì tại một số trường đại học tốp đầu, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao, khiến tỉ lệ chọi tăng. Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 32.753 thí sinh đăng kí xét tuyển, tăng gần 9.000 thí sinh so với năm 2018. Chỉ tiêu xét tuyển của trường là 6.680 ở tất cả các ngành/nhóm ngành, như vậy, tỷ lệ "chọi" tương đương khoảng 1/5. Bên cạnh đó, tổng số nguyện vọng 1 và 2 vào trường chiếm gần 50% trong số 66.397 nguyện vọng đăng ký.

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận được gần 41.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tăng 30% so với năm 2018.  Trong khi, tổng chỉ tiêu vào trường với là 5.650 chỉ tiêu. Một số ngành có số lượng nguyện vọng đăng ký cao như Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị khách sạn và Kinh tế quốc tế. Trong khi đó, một số ngành có số đăng ký nguyện vọng 1 khá thấp so với mặt bằng chung như Quản lý công và Chính sách, Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh và Kinh tế tài nguyên thiên nhiên.

Năm 2019, trường Đại học Y Hà Nội nhận được 17.600 hồ sơ xét tuyển (tăng hơn 2.000 hồ sơ so với năm 2018). Trong khi, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.120. Như vậy, tỉ lệ chọi vào ĐH Y Hà Nội năm 2019 trung bình cho các khoa là 1/16. Tỉ lệ chọi riêng với từng ngành giao động trung bình từ khoảng 1/10-1/20.

Nhiều ý kiến cho rằng, với xu hướng lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh như năm nay, điểm chuẩn các trường tốp đầu có thể tăng cao. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, tỉ lệ “chọi” chỉ là một yếu tố tham khảo, đôi khi không phản ánh được thực tế của trường, ngành đó.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tỉ lệ “chọi” chỉ là yếu tố tham khảo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO