Chính sách chống Covid-19 của các nước

Thuyết phục người dân đeo khẩu trang như thế nào?

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:37 - Chia sẻ
Đeo khẩu trang khi ra ngoài là một hành động tuy nhỏ nhưng có khả năng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 khá hiệu quả. Chính vì thế, nhiều quốc gia trên thế giới khá chú trọng đến biện pháp này và thuyết phục người dân nghiêm chỉnh tuân theo để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Theo WEF, từ cung cấp khẩu trang miễn phí đến phạt những người vi phạm, các nước triển khai nhiều chiến thuật từ “củ cà rốt đến cây gậy” để mọi người đeo khẩu trang.

Nghiêm khắc và khích lệ

Nhiều nơi quy định mức tiền phạt cho những vi phạm quy tắc đeo khẩu trang. Một số nước như Chile, Morocco, Nam Phi và Kuwait thậm chí còn răn đe bỏ tù, trong đó Qatar đưa ra mức án ba năm tù và tiền phạt lên tới 55.000 USD.

Theo truyền thông địa phương, Dubai sử dụng các drone (phương tiện bay không người lái) với phần mềm nhận dạng khuôn mặt để phát hiện những người không đeo khẩu trang, và bắt quả tang được 518 người vi phạm vào đầu năm 2021. Ở Nam Phi, các nhân viên an ninh tư nhân tại các trung tâm mua sắm và khu vực công cộng khác sẽ hộ tống những người vi phạm quy tắc đến các quầy bán khẩu trang gần đó để mua đeo ngay lập tức.

Từ Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi, nhiều nhà lãnh đạo và chính trị gia đã chú ý đến việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng một cách cẩn thận. Ít nhất hai quốc gia phạt các nhà lãnh đạo của mình vì không đeo khẩu trang. Ví dụ, Chile phạt Tổng thống Sebastian Pinera 3.500USD sau khi ông chụp ảnh mà quên không đeo khẩu trang với một người dân ở bãi biển. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha là một trong những người đầu tiên bị phạt do không đeo khẩu trang khi tham dự một cuộc họp ở Bangkok khi nước này đưa ra mức phạt 6.000 baht (183 USD) vào năm ngoái.

Tại Ấn Độ, nơi cảnh sát đang phải vật lộn để thực thi việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang, một đoạn video về một cậu bé 5 tuổi đi chân trần ở thành phố Dharamshala kêu gọi những người đi trên đường phố đông đúc đeo khẩu trang đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trong tháng 7 vừa qua. Cảnh sát Mumbai thì sử dụng các biện pháp hài hước và lấy cả nhân vật Harry Potter để truyền tải thông điệp của họ, tạo ra các bài vui nhộn đăng trên mạng xã hội.

Ở Zimbabwe, nhiều người nổi tiếng đã làm gương cùng với các chính trị gia, trong khi ở Malawi, các nghệ sĩ sử dụng bài hát để khuyến khích việc đeo khẩu trang. Các nhà khoa học cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ thuyết phục người dân đeo khẩu trang. Ông Patrick Vallance - Cố vấn khoa học Chính phủ Anh và Giám đốc y tế Chris Whitty - người thường xuất hiện trong các cuộc họp giao ban hàng ngày trên truyền hình vào thời điểm cao điểm của đại dịch cho biết, họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang sau ngày 19.7, “ngày tự do” mà Anh gỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng chống dịch. Vì vậy, Chính phủ xứ sở sương mù vẫn khuyến khích mọi người đeo khẩu trang ở những nơi đông đúc, thậm chí ngay cả khi đó không phải yêu cầu pháp lý bắt buộc. 

Nhiều quốc gia cũng phát động các chiến dịch truyền thông trên TV, đài phát thanh và mạng xã hội để khuyến khích đeo khẩu trang. Trên khắp châu Phi, các nhân viên y tế cộng đồng còn đi từng nhà để truyền bá thông điệp.

Nguồn: AP

Hỗ trợ người nghèo được đeo khẩu trang

Hiệp hội Luật Kenya đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao về các hình phạt mà họ cho rằng phân biệt đối xử đối với những người không có khả năng đeo khẩu trang.

Ở Lebanon, cuộc khủng hoảng tiền tệ đã làm tăng đáng kể tác động của tiền phạt đối với những người nghèo và những người ít có khả năng mua được khẩu trang.

Để nhiều người dân đều có thể đeo khẩu trang, khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phát khẩu trang miễn phí cho hầu hết tất cả người lớn. Ở nhiều nơi, các doanh nghiệp tặng khẩu trang cho nhân viên, trong khi các trường học phát cho từng học sinh.

Các tổ chức từ thiện và xã hội dân sự ở châu Phi lại phân phát khẩu trang cho cư dân ở các khu định cư phi chính thức và những người ăn lương hàng ngày bao gồm cả những người bán hàng rong. Thậm chí, một số chính trị gia Zambia đang đưa vấn đề đeo khẩu trang vào thành một phần chiến dịch tranh cử của mình.

Vẫn nên tiếp tục đeo khẩu trang kể cả khi đã được tiêm chủng

Israel từng tuyên bố công dân có thể tháo khẩu trang vào 15.6, nhưng sau đó các ca nhiễm mới gia tăng khiến nước này phải nhanh chóng trở lại quy định đeo khẩu trang. Ở Mỹ, đa số người được tiêm chủng đầy đủ bỏ đeo khẩu trang nhưng với sự lây lan quá nhanh chóng của biến chủng Delta, CDC Mỹ hôm 27.7 khuyến nghị người đã tiêm đủ liều vaccine nên tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín. Khuyến nghị trên trái ngược hoàn toàn với tuyên bố mà CDC Mỹ đưa ra cách đây hai tháng, khi họ khẳng định người dân đã tiêm phòng đầy đủ có thể trở lại các khu vực trong nhà như nhà hàng, công sở… mà không cần đeo khẩu trang.

Trên thế giới, các cuộc khảo sát cho thấy nhiều thái độ khác nhau đối với việc đeo khẩu trang trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Ở nhiều vùng của châu Á, khẩu trang đã phổ biến từ rất lâu trước dịch Covid-19, khiến việc áp dụng chúng dễ dàng hơn so với các khu vực mà khái niệm này còn xa lạ. Thực tế, khẩu trang trở nên phổ biến trong đợt bùng phát dịch SARS những năm 2002, 2003. Nhưng nhiều người ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục đeo khẩu trang trong mùa cúm, cũng như vào những ngày có chất lượng không khí xấu. Đông Nam Á cũng vậy, nhiều người dân ở các thành phố lớn đã đeo khẩu trang trước khi đại dịch xảy ra để tự bảo vệ mình khỏi ô nhiễm.

Một nghiên cứu của Ipsos MORI về thái độ ở 9 quốc gia trong tháng này cho thấy, hầu hết người lớn nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng khi đã tiêm chủng. Trong đó, người Mexico và Brazil là những nhân vật nhiệt tình nhất. Ngược lại, việc đeo khẩu trang ở Mỹ - nơi một số người phàn nàn rằng các quy tắc là vi phạm quyền công dân của họ - đã hầu như không còn nữa kể từ khi các hạn chế được nới lỏng.

Ngọc Minh