Thủy sản từng bước phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu

- Thứ Hai, 22/11/2021, 06:48 - Chia sẻ
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sẽ cố gắng tận dụng 2 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 8,4 tỷ USD. “Nỗ lực khôi phục sản xuất và thay đổi để phù hợp với các thị trường sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta tin tưởng.
Thủy sản cố gắng duy trì tăng trưởng tương đương năm 2020
Nguồn: ITN

Xuất khẩu tháng 10 tăng gần 50%

Từ tháng 10, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta bắt đầu tăng tốc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết đã phục hồi sản xuất 100%. Sản lượng tiêu thụ tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước đạt 157 tấn; doanh số tiêu thụ chung đạt 23,9 triệu USD, bằng 105% so cùng kỳ năm 2020. Riêng sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.507 tấn, bằng 118% kế hoạch.

Trên bình diện toàn ngành, VASEP cho hay, xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục với kim ngạch tháng 10 đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng 9 và đạt gần tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của hầu hết sản phẩm chính đều tăng như tôm tăng 1,6%; cá ngừ và mực, bạch tuộc tăng 18%; cua ghẹ tăng 13%. Mặt hàng cá tra do thiếu vùng nguyên liệu nên hoạt động sản xuất, chế biến còn cầm chừng.

Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%. Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam, chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Thị trường Trung Quốc và châu Âu đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.

VASEP cho biết, nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn đang cao, tỷ lệ bao phủ vaccine ở các địa phương ngày càng rộng, nhất là tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, sẽ hạn chế tác động của dịch, hướng đến xuất khẩu dần phục hồi và hy vọng sẽ tăng trưởng trong hai tháng cuối năm.

Nghiên cứu xu hướng tiêu thụ trong bối cảnh mới

Dù đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới nhưng các doanh nghiệp có nhiều mối lo âu thường trực. Ông Hồ Quốc Lực cho biết, doanh nghiệp muốn hoạt động ổn định thì điều khẩn thiết là người lao động trong toàn chuỗi sản xuất phải được tiêm đủ 2 mũi; đồng thời phải có đủ phương tiện, điều kiện kiểm tra xét nghiệm, tầm soát y tế cho tất cả lao động chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc cung ứng nguyên liệu, vật tư, thực phẩm… tốt nhất phải qua vùng đệm để hạn chế tối đa tiếp xúc, hạn chế lây lan.

Việc đánh giá sức và xu hướng tiêu thụ trong bối cảnh mới cũng không thể coi nhẹ, ông Lực khuyến cáo. Các thị trường lớn đã lần lượt mở cửa, nhu cầu dịch vụ sẽ tăng mạnh ngay cuối năm nay khi các nhà hàng, khách sạn… từng bước phục hồi. Do đó, cần quan sát diễn biến tình hình thị trường, thói quen mới người tiêu dùng để định ra sách lược thị trường cho từng giai đoạn nhằm tranh thủ tốt cơ hội. Sau dịch bệnh, người tiêu dùng có xu thế chuộng thực phẩm chế biến sâu, tích hợp nhiều tiện ích, thuận lợi trong việc chế biến món ăn nhanh nhất. Nếu nghiên cứu kịp thời các sản phẩm mới sẽ là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. “Vừa nỗ lực khôi phục sản xuất sau dịch, vừa nỗ lực thay đổi để phù hợp với các thị trường sẽ giúp tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm”, ông Lực nhấn mạnh.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe thông tin, quan trọng nhất vẫn là đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 2 cho các địa phương. Hiện có nhiều chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp nhưng việc thực hiện còn chậm. Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ông Hòe kiến nghị Chính phủ cần đưa bộ kit xét nghiệm vào danh mục kiểm soát mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước hỗ trợ giá. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét hỗ trợ tiền ăn cho người lao động bị ngừng việc, làm “3 tại chỗ”; miễn đóng đoàn phí cho người lao động và giảm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng cần giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải có tác động đến các đơn vị vận tải biển giảm giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế, miễn, giảm các chi phí hạ tầng cảng biển…

Theo Tổng cục Thủy sản, từ nay đến cuối năm, nếu tình hình dịch được kiểm soát, thủy sản vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt. 

Hạnh Nhung