Giáo dục

Thụy Điển thừa nhận sai lầm: Công nghệ góp phần khiến học sinh học kém đi

Hồng Nhung 06/07/2025 10:30

Thông tin này đã khiến dư luận phải nhìn nhận lại cách công nghệ được tích hợp trong môi trường học đường.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 16.23.44
Cuộc tranh luận về việc liệu công nghệ trong trường học giúp ích hay cản trở thành tích của học sinh đã diễn ra trong nhiều năm. Ảnh: glassalmanac.com

Sau nhiều năm theo đuổi giáo dục số hóa, Thụy Điển, quốc gia từng đi đầu trong việc đưa công nghệ vào lớp học, vừa chính thức thừa nhận rằng việc lạm dụng thiết bị điện tử đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với chất lượng học tập của học sinh. Quyết định quay lại với sách giáo khoa truyền thống đánh dấu bước ngoặt trong tư duy giáo dục hiện đại.

Đẩy mạnh số hoá giáo dục

Trong gần hai thập niên qua, nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Thuỵ Điển đã đẩy mạnh việc số hóa giáo dục. Tại Thuỵ Điển, quá trình chuyển đổi từ sách giáo khoa giấy sang công cụ kỹ thuật số đã diễn ra dần dần trong 15 năm qua.

Theo đó, máy tính bảng, máy tính xách tay và các ứng dụng hỗ trợ học tập được kỳ vọng sẽ thay thế sách vở truyền thống, mang đến môi trường học tập linh hoạt, sinh động và hiệu quả hơn. Từ bài giảng trực tuyến, video tương tác cho đến các nền tảng quản lý điểm số, công nghệ đã len lỏi vào từng tiết học và từng ngăn bàn học sinh.

Khi học sinh Thụy Điển lên bậc trung học, thời gian sử dụng laptop và máy tính bảng đã vượt xa việc tiếp cận sách giấy. Các thiết bị này được dùng trong hầu hết hoạt động học tập – từ tra cứu thông tin, viết bài luận cho đến làm bài tập về nhà.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 16.30.40
Quá trình chuyển đổi từ sách giáo khoa giấy sang công cụ kỹ thuật số đã diễn ra dần dần tại Thuỵ Điển trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, lo ngại về tác động tiêu cực của màn hình với học sinh bắt đầu ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc đọc trên màn hình phát sáng khiến mắt nhanh mỏi, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong khi khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin cũng suy giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đã lên tiếng lo ngại về việc con cái bị xao nhãng vì thiết bị điện tử. Nhiều học sinh thay vì học tập nghiêm túc lại bị cuốn vào các hoạt động giải trí – từ xem phim, chơi game đến lướt mạng xã hội – ngay trên chính thiết bị học tập của mình.

Theo thống kê, năm 2018, cứ năm trẻ Thụy Điển từ 5 đến 8 tuổi thì có một em sở hữu điện thoại thông minh. Tại Pháp, hơn một nửa học sinh tiểu học đã có điện thoại riêng, và khoảng 12% trẻ từ 9 đến 10 tuổi cũng không nằm ngoài xu hướng này. Khi thiết bị cá nhân trở thành vật bất ly thân, ranh giới giữa học và chơi trong lớp học trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Đảo ngược chính sách

Trước thực trạng đáng báo động, Bộ Giáo dục Thụy Điển đã chính thức nhìn nhận vai trò tiêu cực của màn hình đối với học sinh. Bộ trưởng Giáo dục Lotta Edholm thẳng thắn cho biết: mặc dù học sinh Thụy Điển vẫn đạt kết quả tương đối trong các kỳ đánh giá đọc hiểu của Liên minh châu Âu, song có sự sụt giảm đáng kể về tiêu chuẩn học tập chung – đặc biệt là năng lực tư duy phản biện. Bà cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do việc học sinh quá phụ thuộc vào thiết bị điện tử và thiếu tiếp xúc với tài liệu học tập truyền thống.

Để khắc phục, chính phủ Thụy Điển đã công bố kế hoạch tái đầu tư vào sách giáo khoa truyền thống, với tổng kinh phí gần 104 triệu euro từ nay đến năm 2025. Mục tiêu là mỗi học sinh sẽ được cấp đầy đủ sách giấy cho từng môn học. Việc học sẽ không loại bỏ hoàn toàn công nghệ, nhưng sẽ được thiết kế lại theo hướng “ít màn hình hơn, tập trung hơn”, nhằm khôi phục lại môi trường học tập chú trọng chiều sâu và khả năng tiếp thu thực chất.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 16.34.02
Sách vở truyền thống trở lại lớp học ở Thuỵ Điển.

Không chỉ Thụy Điển

Động thái này của Thụy Điển không phải là cá biệt. Trong vài năm trở lại đây, làn sóng phản ứng về vai trò của công nghệ trong giáo dục đã bắt đầu lan rộng ở nhiều quốc gia phát triển. Dù không ai phủ nhận vai trò hỗ trợ của công nghệ trong dạy và học, song các nhà giáo dục đang ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập lại cân bằng, nơi công nghệ đóng vai trò hỗ trợ, chứ không thay thế hoàn toàn phương pháp học tập truyền thống.

Các nhà khoa học cảnh báo, trẻ em trong độ tuổi đi học – đặc biệt là từ tiểu học đến trung học cơ sở – vẫn cần tiếp cận kiến thức thông qua phương pháp học trực tiếp, tương tác vật lý, ghi chép bằng tay và đọc hiểu trên giấy. Những trải nghiệm đó không chỉ giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, mà còn rèn luyện kỹ năng tập trung và phân tích thông tin – những nền tảng thiết yếu cho tư duy phản biện và học tập suốt đời.

Bài học cho giáo dục hiện đại

Quyết định của Thụy Điển không phải là một bước lùi khỏi công nghệ, mà là một bước tiến thận trọng nhằm tái lập sự cân bằng trong giáo dục. Giáo dục hiện đại không nhất thiết phải lựa chọn giữa truyền thống và công nghệ.

Vấn đề cốt lõi là làm sao để mỗi công cụ, mỗi phương pháp đều phục vụ đúng mục tiêu: giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu và phát triển toàn diện. Thay vì theo đuổi công nghệ bằng mọi giá, giáo dục cần một chiến lược có chọn lọc. Đôi khi, ít công nghệ hơn lại mang đến nhiều giá trị hơn cho việc học.

Theo Glassalmanac
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thụy Điển thừa nhận sai lầm: Công nghệ góp phần khiến học sinh học kém đi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO