Chủ tịch Thượng viện Mongkol Surasajja, người được bầu vào vị trí này tại phiên họp khai mạc của Thượng viện hôm 27.7 vừa qua cho biết: Thượng viện sẽ thảo luận về động thái điều chỉnh số lượng ủy ban để phản ánh tốt hơn số lượng thượng nghị sĩ đã giảm trong cơ quan hiện tại. Cuộc thảo luận dự kiến diễn ra tại phiên họp toàn thể thứ hai của Thượng viện vào ngày 2.8 tới.
Theo một nguồn tin tại Thượng viện, số lượng thành viên trong các ủy ban cũng sẽ được xem xét lại. Cả hai bước đi này đều được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách hoạt động.
Thượng nghị sĩ Sorachart Wichayasuwannaprom, cho biết số lượng ủy ban cần phải được xem xét lại vì hiện chỉ có 200 thượng nghị sĩ, giảm so với 250 thành viên dưới thời chính quyền trước. Ông cho biết ông đã soạn thảo một kiến nghị khẩn cấp để xem xét, kiến nghị này sẽ được trình lên để tranh luận trong cuộc họp sắp tới.
Thượng viện khóa trước có 26 ủy ban thường trực. Một nguồn tin thân cận cho biết con số này có thể sẽ giảm xuống còn 23.
Ông Sorachart cho biết ông cũng sẽ yêu cầu Thượng viện xem xét lại vai trò, nhiệm vụ và sự cần thiết của một số ủy ban đã trở nên lỗi thời, do những thay đổi gần đây về vai trò của các thượng nghị sĩ trong hệ thống bộ máy nhà nước. Trước kia, các thượng nghị sĩ có nhiệm vụ cùng với các hạ nghị sĩ bầu ra Thủ tướng sau mỗi cuộc bầu cử. Do vậy, tại Thượng viện sẽ cần có các ủy ban chịu trách nhiệm đánh giá hoặc giám sát quá trình lựa chọn Thủ tướng. Ông cho biết, có thể những ủy ban này sẽ được giao nhiệm vụ mới chẳng hạn như giải quyết vấn đề đói nghèo hoặc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp.
Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ không đồng tình với ý tưởng này và cho rằng, việc cắt giảm số lượng ủy ban có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Thượng nghị sĩ Angkana Leelapaijit cho biết nếu Thượng viện muốn cắt giảm chi tiêu thì việc giảm số lượng ủy ban thường trực sẽ không mang lại tác dụng.
Bà Angkana, người chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện trong nhóm xã hội dân sự, đã đề xuất những cách khác để tiết kiệm ngân sách, chẳng hạn như cắt giảm tiền dành cho các chuyến đi nghiên cứu. Bà cũng đề xuất thành lập một ủy ban thường trực mới chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến giới tính, khuyết tật, người già và các nhóm dân tộc. Bà nói: "Tôi hy vọng bất kỳ ai được chọn làm chủ tịch ủy ban đều sẽ có tư tưởng cởi mở để mang lại những chính sách hiệu quả cho người khuyết tật và người dân tộc thiểu số".