Thương về cội Việt

Lê Quân – Thanh Trúc thực hiện 22/01/2017 08:33

Mỗi người một đam mê, nhưng cùng tình cờ đi chung một con đường: Tìm về với nguồn cội Việt, văn hóa Việt để tìm kiếm những phép kết hợp, giao thoa độc đáo với những giá trị chung của nhân loại mà họ từng được học, được nghe, được thấy... Và họ đã khép lại một năm 2016 đầy tận hiến.

Nghệ sỹ saxophone TRẦN MẠNH TUẤN: “Về quê” cùng “thằng Cuội”

Xuân đã về trên những đường phố Sài Gòn rực rỡ đèn hoa, nhưng ở câu lạc bộ nhạc Jazz mang tên “Sax ‘n’Art” trên “con phố vàng” của quận 1, dường như mùa xuân luôn hiện hữu bởi những bản nhạc tràn đầy sức sống mà nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn luôn là “linh hồn” của đêm diễn. Không ít khán giả, cả ta lẫn Tây đã ngồi lỳ tới 12h đêm ở đây để được thưởng thức tiếng kèn đắm say của Trần Mạnh Tuấn. Trong nghệ thuật, có nhiều con đường để chinh phục trái tim người nghe nhưng Trần Mạnh Tuấn, một người kể chuyện tài tình, một người dẫn dụ khán giả vào mê cung của nghệ thuật, đôi khi lại bằng con đường rất giản dị: Trở về nguồn cội.

Tôi đã say sưa nghe “nát” album “Thằng Cuội” của Trần Mạnh Tuấn, gồm các bài anh mới sáng tác. Nếu trước đây, cây kèn saxophone từng cover các giai điệu dân ca thì trong “Thằng Cuội” hoàn toàn không có bóng dáng của một giai điệu dân ca nào, nó chỉ là những âm hưởng dân ca. Trong album, ngoài các nhạc cụ phương Tây như: saxophone, piano, guitar bass, clarinet bass, trống, bộ gõ..., còn có các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu (do nghệ sĩ Hải Phượng trình tấu), sáo H’Mông (nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn). Đặc biệt, nghệ sĩ người Nhật Bản Kizan Daiyoshi dùng sáo Shakuhachi (một loại sáo tre Nhật Bản) nhưng được lược bớt một số nốt trong thang âm của nhạc cụ này để hòa hợp được với các nhạc cụ Việt Nam. An Trần, con gái của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn chơi alto saxo. “Tôi vô cùng hãnh diện khi có thêm người bạn đồng hành nhỏ này. Chính tiếng kèn vô cùng đáng yêu của con đã gợi cho tôi rất nhiều cảm hứng để sáng tác những bản nhạc mang âm hưởng dân gian...”, Tuấn nói.

Thực ra thì trước đó, Trần Mạnh Tuấn đã từng thành công khi theo đuổi những dự án âm nhạc gắn bó với nguồn cội. Album “Về quê” là một ví dụ, gồm những ca khúc dòng nhạc quê hương được thể hiện lại theo âm hưởng nhạc jazz. Album gây được sự rung động mãnh liệt cho công chúng và nằm trong số ít những đĩa nhạc có số lượng tiêu thụ kỷ lục tại thị trường Việt Nam với hơn một trăm nghìn bản bán ra. Trần Mạnh Tuấn cũng có những bài “hit” của mình, có thể kể đến bài “Hạ trắng” nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Anh thành công và được công chúng đón nhận, là bởi những bản nhạc mang phong cách dân gian mà anh sáng tác và biểu diễn là sự giao hòa tuyệt đẹp giữa dân gian và hiện đại.

Dẫu vậy, nhà sản xuất sành sỏi và am hiểu thị trường âm nhạc này không dừng lại ở đấy. Mới đây nhất, anh đã tung ra “Simply Soul” với phong cách world music và jazz kinh điển. Thể hiện và tái tạo những tác phẩm jazz kinh điển của thế giới luôn là điều đương nhiên trong sự nghiệp của các nghệ sỹ solo dòng nhạc jazz. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đã thực hiện những đĩa nhạc standard jazz với chất fusion độc đáo, gây được tiếng vang như “Body and Soul”, “Angel Eyes” và album mới nhất “Simply Soul” được coi như một sự riêng tư hóa của nghệ sỹ Trần Mạnh Tuấn dùng để giãi bày tình cảm và những kỷ niệm thời thơ ấu. Một loạt album phát hành vừa qua đã cho thấy một Trần Mạnh Tuấn phong phú, đa sắc trong âm nhạc. “Dẫu vậy, sự nổi bật trong hành trình chinh phục khán giả của tôi lại chính là việc tôi muốn đem nét đẹp của âm nhạc Việt Nam kết hợp với tinh hoa âm nhạc thế giới”, anh thừa nhận.

Hơn 20 năm trước, Trần Mạnh Tuấn đã tham gia sáng lập ban nhạc Phương Đông - một trong những ban nhạc thành công nhất Việt Nam những năm 90 với sự quy tụ của những tên tuổi đến nay vẫn là hàng đầu trong lĩnh vực âm nhạc. Sau đó, anh tu nghiệp tại trường âm nhạc nổi tiếng thế giới Berklee để hoàn thiện kỹ năng biểu diễn và phát triển sự nghiệp như một nhạc sĩ sáng tác và một nhà sản xuất âm nhạc. Gắn bó với cây kèn saxophone từ khi còn nhỏ, lại sống trong môi trường gia đình nghệ thuật, thành công đến với Trần Mạnh Tuấn tưởng như là đương nhiên, nhưng thực ra đó là nỗ lực trong suốt 30 năm qua ham muốn học hỏi, tự đổi mới bản thân và tìm tòi sáng tạo không giới hạn trong cái nôi âm nhạc Việt Nam và chắt lọc những tinh hoa âm nhạc của thế giới là con đường phấn đấu không ngừng nghỉ của anh.

Nhạc sĩ TRẦN MẠNH HÙNG: Người “giao hưởng hóa” dân ca

Trần Mạnh Hùng đang được xem là một “hiện tượng” trong nền âm nhạc giao hưởng Việt Nam đương đại. Anh từng tạo nên “phép lạ Việt Nam” tại nước Đức khi bản giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên”, một sáng tác chứa đựng nhiều cảm xúc sâu sắc về người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi vang lên tại Bonn năm 2009, trong Liên hoan âm nhạc quốc tế Beethoven. Năm 2014, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lại khiến công chúng ngỡ ngàng bởi tổ khúc “Dòng chảy” được viết như một vở diễn hoàn chỉnh dựa trên chất liệu dân ca ba miền. Tổ khúc gồm 21 bài dân ca viết cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn cùng dàn nhạc dân tộc, các nhóm tam ca, tứ ca và cả dàn hợp xướng.

Khán giả cũng khó có thể quên được chương trình “OSSSO FUSION” (2.2016), một dự án âm nhạc tôn vinh những giá trị nghệ thuật đẳng cấp, kết hợp giữa nhạc dân tộc Việt Nam và sự bề thế của nhạc giao hưởng, trong một không gian sang trọng, ấm cúng với những trải nghiệm độc đáo chưa từng có. Dàn nhạc giao hưởng tham gia trong chương trình OSSSO FUSION thu hút đến gần 70 nghệ sĩ thuộc tất cả các bộ: kèn, gõ, hơi... Đây là lần đầu tiên nhạc cụ dân tộc, ngôn ngữ âm nhạc dân tộc được đứng chung với những tác phẩm lớn của dàn nhạc giao hưởng. OSSSO FUSION từng được nhiều nhà phê bình âm nhạc ví như hạt ngọc lung linh với những giai điệu tinh tế được chắt lọc từ kho tàng văn hóa, âm nhạc các dân tộc Việt Nam, tạo nên những gam màu độc đáo, rực rỡ, là điểm nhấn đầy ấn tượng và cuốn hút trên nền bức tranh bề thế bằng nhạc giao hưởng, phối hợp với hơi thở đương đại của nhạc nhẹ. Chương trình đã đem tới cho khán thính giả Việt Nam niềm tin và tự hào về những giá trị của dân tộc mình, đồng thời chia sẻ trải nghiệm và bồi đắp thêm tình yêu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trần Mạnh Hùng đã làm được điều đó!

Cũng trong năm 2016, Trần Mạnh Hùng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ khi anh ra mắt công chúng yêu âm nhạc TP Hồ Chí Minh chương trình biểu diễn độc đáo “giao hưởng hóa” dân ca. Rất nhiều bài dân ca và cả những vở diễn hoàn chỉnh đã được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác dựa trên chất liệu dân ca ba miền, chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và thính phòng. Trong bối cảnh những giá trị âm nhạc đỉnh cao, tinh túy thường bị hạn chế lượng người xem, thì việc khán giả hào hứng đón nhận những chương trình “giao hưởng hóa” dân ca của Trần Mạnh Hùng là một thành công đáng ghi nhận.

“Nhìn vào sự thành công của các bậc thầy, các đàn anh đi trước và đặc biệt là của những giá trị của âm nhạc truyền thống dân tộc, tôi hiểu là mỗi một nghệ sĩ sẽ đạt được những dấu ấn nhất định, nếu biết cách ghi lại những cảm xúc chân thật từ trái tim mình. Tôi thường viết về những gì là thiêng liêng đối với mình và quê hương mình...”, Trần Mạnh Hùng tâm sự. Một cá tính quyết liệt, mạnh mẽ ẩn sau sự điềm tĩnh; ham học, giàu lòng tự trọng ẩn sau vẻ giản dị; nhiều khát vọng hoài bão với nghệ thuật ẩn trong một con người luôn tự tin!    

Nhà thiên văn học TRỊNH XUÂN THUẬN: Kéo trời sao về với quê hương

Ở tuổi 68, nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận, tác giả của những đầu sách nổi tiếng về vũ trụ học và Phật học... vẫn cần mẫn góp mặt tại điểm hẹn thường niên “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII (7.2016), chương trình bấy lâu ông nhận lời sát cánh đồng hành. Nhà khoa học người Mỹ, viết sách bằng tiếng Pháp, đồng thời là giảng viên ngành vật lý thiên văn tại ĐH Virginia (Mỹ) kiêm Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII (Pháp) tuy nói tiếng Việt không thật sõi nhưng lại sở hữu một lối truyền đạt rất dễ hiểu và giản dị. Trong năm, ông cũng đồng thời xuất bản thêm hai đầu sách mới, làm dày lên tủ sách phổ cập thiên văn học của mình tới những người ngoài chuyên môn nhưng có mối quan tâm và tình yêu dành cho thế giới trên cao của những vì sao và những dải thiên hà. Một tủ sách độc đáo, khi nhà khoa học đồng thời là Phật tử này không chỉ dừng lại ở việc vít xuống những bầu trời sao hay những khoảng trống mênh mang trong vũ trụ tới gần đời thường, mà còn kéo nó về gần với thế giới tâm linh của con người bằng những liên tưởng độc đáo, thú vị giữa thiên văn học và đạo Lão, đạo Phật (điển hình là các cuốn: “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, “Lượng tử và hoa sen”, “Vũ trụ và hoa sen”…).

Rời Việt Nam năm 1966, lúc đầu là tới Thụy Sĩ, sau đó định cư tại Mỹ, Trịnh Xuân Thuận nói rằng, hành trang mà chàng trai 18 tuổi mang theo lúc ấy là “những thứ căn bản mà một người Việt Nam trước nay vẫn thường có: Đạo Phật, những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt; sự đùm bọc của gia đình, họ hàng… Những nền tảng tinh thần đó thực sự là bệ đỡ giá trị giúp tôi vượt qua những năm tháng đầu cô đơn nơi đất khách, khi thế giới còn quá chừng rộng lớn vì chưa có internet và chỉ biết sưởi ấm nỗi lòng xa xứ bằng những lá thư tay đôi khi phải chờ cả tháng...”.

Sở hữu một sự nghiệp hết mình, nhưng nhà thiên văn học nổi tiếng lại khuyên rằng: “Mọi chuyển động ở đời, theo tôi nên từ tốn”. Sách ông viết: “Vũ trụ đã trải qua vô vàn biến cố, rất nhiều ngõ cụt, nhưng nó luôn chứng tỏ khả năng sáng tạo và bao giờ cũng biết tìm ra những giải pháp giúp nó tiếp tục tiến lên trên con đường phức tạp hóa...”. Để có được chỗ đứng trong giới như ngày hôm nay cùng những chuyến trở về Việt Nam đầy ý nghĩa của mình, nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt cho hay: “Bản thân tôi cũng đã từng gặp phải những thất bại trong khoa học, nhưng tôi đã không cho phép mình được nản chí, khi được vũ trụ chỉ giáo rằng: Đôi khi, sự thiếu hoàn hảo lại là yếu tố sáng tạo ra cơ may và sự sống…” 

50 năm về trước, lý do khiến chàng trai 18 tuổi quyết định ra đi không gì khác chính là để được học những người thầy giỏi nhất trên thế giới. Rồi ông tới Mỹ và  tại Caltech, ông đã được thọ giáo những giáo sư giỏi nhất, chẳng hạn như GS William Alfred Fower (giải Nobel Vật lý năm 1983)... “Họ đã dạy tôi cách nghĩ, cách tiến tới...”.

 Nhưng chỉ quê hương và nguồn cội Việt mới dạy ông cách trở về!

Đạo diễn điện ảnh PHẠM NGỌC LÂN: “Harry Porter” và tình yêu không hẹn trước

Gương mặt trẻ nổi bật, tiến xa nhất trong năm 2016 của làng điện ảnh Việt lại là một kẻ ngoại đạo, tay ngang: sinh năm 1986, tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc Hà Nội năm 2009 và tận đến năm 2012 mới “mon men” làm quen điện ảnh tại lớp học quay phim của chương trình “Gặp gỡ mùa thu”. Vậy mà chỉ sau đó 3 năm, Lân đã kịp “làm nên chuyện”. Đóng máy năm 2015, sang đến đầu 2016, “Another City” (Một thành phố khác) - bộ phim ngắn thứ 2 của Lân đã gặt hái cơ man giải thưởng khi tham dự các LHP trong và ngoài nước: Đại diện đầu tiên của Việt Nam có phim tham dự phần tranh giải chính thức dành cho phim ngắn tại LHP Quốc tế Berlin, tháng 2.2016; Giải Chú ý đặc biệt (Special Mention) tại LHP Quốc tế Phim Độc lập IndieLisboa - Bồ Đào Nha, tháng 5.2016; Giải “Tường niệm Ingmar Bergman” trị giá 5.000 euro tại LHP Uppsala - là LHP ngắn danh giá nhất vùng Bắc Âu... Và mới đây nhất là giải Đạo diễn xuất sắc cho hạng mục phim ngắn - LHP Quốc tế Hà Nội 2016... Trước đó, “Chuyện mọi nhà” - phim ngắn đầu tay của Lân cũng từng tranh giải YxineFF 2012 và góp mặt tại các LHP tài liệu danh tiếng thế giới như CPH: DOX (Đan Mạch), Visions du Réel (Thụy Sĩ)...

Từ những mảnh ghép tưởng chừng như rời rạc, đạo diễn “Another City” đã đưa người xem bước vào một bức tranh hiện thực ngột ngạt, ẩn chứa nỗi ưu tư của một người trẻ về không gian đô thị. Kết phim là cảnh các nhân vật được đưa tới một thác nước, như là một cách giải thoát khỏi sự ngột ngạt. “Nhưng ngay cả nơi khoáng đạt và hùng vĩ với nước tuôn ào ào ấy, vị thế của con người vẫn là cố sức ngoi ngóp trong đó, trước khi có thể trườn được lên những mỏm đá, run rẩy và ướt sũng...” - Đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét.

Sở hữu tấm bằng ĐH về chuyên ngành Quy hoạch đô thị, hẳn là vì thế mà Lân dễ bị ám ảnh bởi những gì thuộc về không gian. Điểm yếu ở một tay ngang đôi khi lại thành điểm mạnh, nói như đạo diễn Phan Đăng Di: “Nó sẽ khiến nhà làm phim trẻ này không bị vướng vào những khuôn phép câu nệ vốn có của các trường phim”.

Mới chỉ kịp thử sức mình qua hai bộ phim ngắn nhưng Lân đã sớm được các nhà làm phim độc lập có tiếng ở Việt Nam như Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... đánh giá cao ở thái độ làm nghề “lì đòn”, đã quyết là phải làm bằng được. Đáng kể hơn thế là tư duy làm phim mạch lạc, lý tính cùng một phông kiến thức chắc chắn, đủ để “bơi ra biển”. Hiện tại, Lân đang cùng “Gặp gỡ mùa thu” theo đuổi dự án phim dài đầu tay “Culi never cries” (Culi không bao giờ khóc) do Lân làm đạo diễn và Phan Đăng Di là nhà sản xuất. Tháng 10.2016, dự án này đã được chọn là 1 trong 27 dự án tham gia chợ phim lớn nhất châu Á thuộc Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), Workshop kịch bản có tên SEAFIC và đích tới tiếp theo của nó trong năm nay sẽ là các chợ dự án tại các LHP hàng đầu châu Âu...

Chàng trai đeo kính trắng, người Hà Nội này có một gương mặt từa tựa Harry Porter. Nhưng thay vì đến học ở... trường phù thủy, “Harry Porter” đã gõ cửa “Gặp gỡ mùa thu” và cánh cửa ấy đã mở ra một cách bất ngờ và ngoạn mục trước một tình yêu không hẹn trước!

Ca sĩ, nhạc sĩ THANH BÙI:  “Truyền thống là khác biệt!”

Trung tuần tháng 10.2016, lần đầu tiên, 5 bộ môn ca nhạc cổ truyền Việt Nam (tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, xẩm) được trình diễn trên cùng một sân khấu, do các nghệ sĩ “gạo cội” từ Hà Nội mang vào TP Hồ Chí Minh. Sân khấu đa năng “Soul Live Projec” của nghệ sĩ người Úc gốc Việt Thanh Bùi tràn ngập hoa và tiếng vỗ tay. Đây không phải là lần đầu tiên một nghệ sĩ Việt kiều theo đuổi những dòng nhạc hiện đại như anh lại tổ chức những đêm nhạc truyền thống kén khán giả như vậy. Anh đã ấp ủ và thực hiện rất nhiều dự án nhằm tôn vinh những giá trị của âm nhạc Việt. 

 “Nếu bạn từng ở nước ngoài, bạn sẽ thấy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc quý giá và thiêng liêng đến chừng nào. Chỉ có nghệ thuật truyền thống mới khẳng định: Chúng ta đặc biệt, khác biệt với các dân tộc khác thế nào. Có thể hôm nay, chúng ta chưa dễ gì hiểu hết những giá trị của ngày hôm qua nhưng khi thưởng thức nó, tôi cảm nhận được đó là lời ru của mẹ, là sự ân cần của cha, là trời đất, quê hương, là dòng máu Việt trong mình...”, anh tâm sự.

Có lẽ đó cũng là niềm thôi thúc khiến Thanh Bùi ấp ủ và xây dựng thành công mô hình hoạt động giáo dục âm nhạc mang tên “International Artist Academy” tại TP Hồ Chí Minh. Đến nay, khi đã có được nền tảng vững chắc từ việc kết hợp giữa tư duy hiện đại của thế giới và cốt lõi văn hóa Việt thì ngôi trường này chính thức đánh dấu bước phát triển mới, đó là vươn tới mục tiêu: “Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong việc giáo dục và xây dựng nên một con người hoàn thiện, đậm đà bản sắc dân tộc”. Thanh Bùi, người thầy của bao em nhỏ luôn đau đáu với câu hỏi bảo tồn và phát huy những bộ môn âm nhạc truyền thống. “Thật buồn khi nhiều bạn trẻ nói rằng họ không muốn học nhạc truyền thống vì sợ không kiếm được tiền. Bởi vậy, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào đó, chẳng hạn như tổ chức đêm diễn, hoặc viết giáo trình, biên soạn chương trình giảng dạy, ứng dụng công nghệ để lưu giữ và bảo tồn vốn cổ...”. Dạy học trò tìm được giá trị cốt lõi của bản thân và khơi dậy niềm tự hào dân tộc là mong mỏi của Thanh Bùi. “Tôi sống trong một đất nước đang phát triển và phải có một sứ mệnh làm điều gì đó cho quê hương mình...”.

 Là tác giả của hơn 600 ca khúc và mặc dù trở thành người Úc gốc châu Á đầu tiên lọt vào Top 8 cuộc thi “Australian Idol” vào năm 2008 nhưng Thanh Bùi nói rằng, phải tới khi trở về Việt Nam vào năm 2012, anh mới tìm thấy được giá trị của bản thân mình: “Con người nếu không hiểu được quá khứ của mình thì sẽ không định hướng được tương lai, ba tôi bảo thế...”.

Bước sang năm 2017, Thanh Bùi cho biết, anh sẽ đẩy mạnh hơn nữa những dự án âm nhạc tại sân khấu “SOUL Live Project”. Anh mong ước nơi này không chỉ trở thành sân chơi nghệ thuật dành riêng cho học viên của Soul Academy mà còn là cầu nối cho những khán giả trong và ngoài nước yêu nhạc truyền thống Việt Nam...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thương về cội Việt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO