Tham dự phiên họp có: Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp và đại diện một số bộ, ngành liên quan.

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, việc xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là cần thiết nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường hợp tác quốc tế về pháp luật, hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự, khắc phục những tồn tại, hạn chế qua 17 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này.
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự với Việt Nam.
Tờ trình cũng cho biết, nội dung dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Tương trợ tư pháp hiện hành và tập trung một số điểm mới nổi bật như sau: những quy định chung; thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam; thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của nước ngoài; quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp về dân sự; điều khoản thi hành.
Cho ý kiến về dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và nhấn mạnh, việc xây dựng và ban hành luật này nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp tục nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự, bảo đảm tính chuyên sâu; khắc phục bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp trong 17 năm qua.

Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản ngắn gọn, quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu
Các đại biểu cũng lưu ý, dự kiến 4 dự án Luật trong lĩnh vực tương trợ tư pháp sẽ được trình đồng thời để Quốc hội cho ý kiến, do vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật với 3 dự thảo Luật: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự; áp dụng pháp luật; triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định; quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp về dân sự…
Ý kiến bạn đọc