Đại diện các tập đoàn, tổng công ty, công ty... tham dự Tọa đàm đánh giá cao việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, vì đây đều là các luật có liên quan mật thiết, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các đại biểu kỳ vọng, các quy định trong dự thảo Luật sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mang tính cấp thiết, cấp bách trong thực tiễn liên quan đến công tác quy hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức PPP và hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Qua đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hướng tới chuẩn mực quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Tại tọa đàm, với Luật Quy hoạch, các đại biểu đóng góp ý kiến với đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Luật Quy hoạch cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch; quy định tại khoản 6, Điều 13 Luật Quy hoạch về các hành vi bị nghiêm cấm trong quy hoạch để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong thực hiện các dự án.
Đối với Luật Đấu thầu, các đại biểu cho ý kiến với quy định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết; bổ sung hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng…
Tại Tọa đàm, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Vụ Pháp chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt ghi nhận, với nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn của doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Luật về đầu tư trong một thời gian ngắn; tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Nhấn mạnh với khả năng tác động của việc sửa đổi các quy định trong 4 Luật về đầu tư lần này đến hoạt động của doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật, đưa ra các quy định khả thi, thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám tới.