Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội

- Thứ Năm, 10/06/2021, 18:14 - Chia sẻ
Sáng 10.6, Thường trực Ủy ban Kinh tế họp phiên mở rộng thẩm tra các báo cáo kinh tế - xã hội chuẩn bị phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc

Ảnh: Q.Khánh 

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, phiên họp nhằm thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, kiến nghị giải pháp cho 6 tháng cuối năm và kết quả thực hiện Nghị quyết 142/2016 của Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, định hướng 5 năm tiếp theo.

Khác với trước, lần này, Nghị quyết về kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo được thẩm tra sau khi đã bầu xong Quốc hội Khóa XV. “Trong giai đoạn chuyển tiếp, có nhiều đại biểu tái cử và không tái cử đều có mặt tại phiên họp, đây là điều rất đặc biệt!  Ý kiến của các đại biểu sẽ giúp Ủy ban Kinh tế có thông tin, dữ liệu hoàn thiện các báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết 5 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành 55 Nghị định để triển khai kịp thời các Luật đã được Quốc hội thông qua. Nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.  Các cơ quan, cả trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch; thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid - 19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ mua và tự nghiên cứu, sản xuất vaccine, tiêm phòng miễn phí cho người dân.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016. Tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020. Thu ngân sách nhà nước đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo…

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Q.Khánh
Toàn cảnh phiên họp

Ảnh: Q.Khánh 

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, đồng thời bày tỏ lo ngại về nhiều vấn đề của nền kinh tế như: tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tạm thời tăng cao; áp lực lạm phát khi giá cả nhiều mặt hàng, nhất là nguyên liệu đầu vào như sắt thép, dầu tăng mạnh; nguy cơ xuất hiện bong bóng tài sản khi dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, bất động sản; tiến độ giải ngân đầu tư công thấp, 5 tháng đạt 22,12% sẽ ảnh hưởng đến kết quả cả năm cũng như tăng trưởng GDP…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của các đợt dịch Covid đối với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong năm 2021; phân tích kết quả các gói hỗ trợ đã triển khai, từ đó xem xét điều chỉnh chính sách trong thời gian tới; làm rõ bức tranh nợ xấu. Quan tâm đến chiến lược vaccine, nhiều đại biểu đề xuất Chính phủ  xây dựng lộ trình và chuẩn bị năng lực tiêm vaccine phòng Covid – 19 bảo đảm kịp thời, hiệu quả.  

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ xây dựng lại các báo cáo theo hướng bám sát Nghị quyết 124/2020 và Nghị quyết 142/2016 của Quốc hội về Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; cân đối hài hòa thông tin giữa các lĩnh vực; bổ sung đánh giá về tác động của đại dịch... Đặc biệt, ông nhấn mạnh, theo tinh thần đổi mới của Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo phải rõ địa chỉ, phải chỉ ra được chỗ nào tốt để khen, chỗ nào kém để phê phán và có biện pháp.

H.Lan