Thường trực Ủy ban Đối ngoại tọa đàm về Hiệp định RCEP

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 15:31 - Chia sẻ
Sáng 18.6, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức tọa đàm về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tham dự Tọa đàm có Thường trực Ủy ban Đối ngoại; đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội; đại diện Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và một số chuyên gia...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc toạ đàm

RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có FTA gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Quá trình đàm phán RCEP do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt từ ngày 9.5.2013. Tháng 11.2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này). Ngày 15.11.2020, 15 nước thành viên RCEP đã ký kết RCEP và hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày được thông qua bởi ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước thành viên không thuộc ASEAN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, theo Luật Điều ước quốc tế 2016, việc phê chuẩn gia nhập RCEP không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng Quốc hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, trong đó có việc đàm phán, ký kết và thực thi các FTA. Hơn nữa, với phạm vi rộng, RCEP được đánh giá có tác động lớn đến nước ta về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh. Do đó, Ủy ban Đối ngoại tổ chức cuộc tọa đàm nhằm nghe các bộ, ngành báo cáo về những nội dung quan trọng của RCEP, tác động của hiệp định tới Việt Nam; nhận diện những cơ hội và thách thức, để từ đó nắm bắt và thực thi hiệu quả Hiệp định này. 

Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Lương Hoàng Thái cho biết, RCEP là FTA lớn nhất thế giới về mặt quy mô dân số, bao phủ 2,2 tỷ người, tương đương gần 30% dân số thế giới, chiếm gần 30% GDP thế giới (khoảng 26,2 nghìn tỷ USD). Hiệp định này nhằm hài hòa hóa các FTA mà ASEAN đã có với 5 nước đối tác, tạo ra mẫu số chung trong các cam kết, quy định về tự do hóa thương mại giữa các nước tham gia ký kết. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ chung giữa 15 nước (thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ theo năm hiệp định tự do thương mai của ASEAN+1 như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Ủy ban Đối ngoại nghe báo cáo về RCEP

Về tác động của RCEP đối với hệ thống pháp luật trong nước, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Bạch Quốc An cho biết, RCEP là FTA tập hợp, xâu chuỗi lại các cam kết, quy định trong các FTA đã ký giữa ASEAN với 5 nước đối tác nên không phát sinh nghĩa vụ quốc tế mới đối với Việt Nam. Chính vì vậy, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện nay, Bộ Tư pháp nhận thấy, không có văn bản luật, pháp lệnh nào cần Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành mới để bảo đảm thực hiện các cam kết trong khuôn khổ RCEP. Việt Nam sẽ chỉ cần ban hành một số văn bản ở cấp Chính phủ và cấp Bộ để thực hiện một số vấn đề về kỹ thuật. Ví dụ: liên quan đến cắt giảm thuế quan, Chính phủ cần có Nghị định ban hành biểu thuế xuất khẩu ưu đãi; liên quan đến giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ RCEP, Bộ Công thương cần ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP… Thời gian qua, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ và đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ quá trình hội nhập, bảo đảm hành lang pháp lý khá toàn diện, đầy đủ cho tiến trình hội nhập, nhất là thực hiện các FTA. Do đó, vấn đề quan trọng đối với triển khai RCEP nằm ở việc thực thi các cam kết như thế nào để có thể tranh thủ tối đa những cơ hội mà hiệp định này mang lại.  

Tại cuộc tòa đàm, các đại biểu đã trao đổi nhằm làm rõ những cơ hội và thách thức mà RCEP mang lại cho Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, thời gian để RCEP chính thức có hiệu lực không còn dài. Do đó, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần khẩn trương, chủ động nhập cuộc; kịp thời ban hành các văn bản thực thi hiệp định, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về RCEP để các doanh nghiệp hiểu rõ những thuận lợi từ hiệp định này, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.

Thanh Chi