Thường trực Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường

- Thứ Tư, 29/07/2020, 19:01 - Chia sẻ
Chiều 29.7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết 113/2015/QH13 của Quốc hội về bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào khu vực tái định cư của các dự án thủy điện và di dân ra khỏi nơi thường xuyên bị thiên tai, hoàn thành trồng bù diện tích rừng các dự án thủy điện, thủy lợi vào năm 2016.

Tham gia cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực các Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Kinh tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại cuộc làm việc

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn cho biết, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về “tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, họ gia đình, cá nhân khác sử dụng”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành 3 Nghị định, 1 Nghị quyết và 1 Chỉ thị làm cơ sở triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, các địa phương cơ bản hoàn thành việc rà soát đất đai gắn với rà soát, sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong thực hiện như: các nông, lâm trường sau khi rà soát vẫn giữ lại quỹ đất quá lớn, vượt quá tầm quản lý và sử dụng nguồn lực hiện có. Nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn tiềm ẩn, nguồn lực đất đai chưa thực sự được phát huy. Cùng với đó còn tiềm ẩn nguy cơ rừng, đất rừng tiếp tục bị tàn phá; nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao; tiếp tục phát sinh việc người dân thiếu đất sản xuất, tình trạng di dân tự do có thể tiếp diễn…

Đối với việc thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung triển khai hoàn thiện một số nhiệm vụ như: hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, xác định giá đất, hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Đến nay cơ bản các vấn đề, nhiệm vụ Quốc hội giao tại các Nghị quyết đã được triển khai thực hiện. Bộ đã có báo cáo và trả lời chất vấn gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp theo đúng quy định và thời gian yêu cầu. 

Cơ bản thống nhất với nhận định, đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, song nhiều ý kiến trong Thường trực Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Bộ cần: tiếp tục đánh giá hiệu quả của các công ty nông, lâm trường sau sắp xếp; làm rõ cổ phần chi phối của nhà nước trong các công ty nông lâm trường là bao nhiêu. Đáng lưu ý, những khó khăn theo báo cáo của Bộ thực tế cũng đã được nhận diện nhưng làm sao để giải quyết được căn cơ, dứt điểm? Bộ có đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ 100% từ ngân sách Trung ương cho các địa phương bảo đảm việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty khó khăn về ngân sách. Vậy kinh phí cụ thể Bộ đề xuất là bao nhiêu?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó giải trình, làm rõ các vấn đề được các đại biểu đặt ra tại cuộc làm việc, nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý đất đai nông, lâm trường, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Hoàng Ngọc