Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có những chuyển biến, nhưng còn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Tại Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình và được Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, việc tổ chức tọa đàm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông” với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý và các chuyên gia được đánh giá là rất cần thiết. “Những ý kiến trao đổi tại tọa đàm hôm nay là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan, đặc biệt là với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy sắp tới”, Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim tin tưởng.
Tại tọa đàm, các đại biểu đánh giá, mặc dù tai nạn giao thông vẫn còn là vấn đề nhức nhối, khi số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng, song cơ bản vẫn đang được kiểm soát, công tác thống kê cũng đã tiệm cận thế giới. Ý thức, hành vi của người tham gia giao thông cũng đã được cải thiện nhiều.
Để có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt trong năm nay, Bộ Công an, trực tiếp là Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai 5 chuyên đề gồm kiểm tra người điều khiển xe trên đường trong cơ thể có chất ma túy, kiểm tra nồng độ cồn; kiểm tra vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên theo hợp đồng, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; cơi nới thành thùng xe; xử lý vi phạm tốc độ; sử dụng giấy tờ giả liên quan người điều khiển phương tiện.
Qua đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý gần 3 triệu lượt trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, với số tiền phạt lên tới trên 5.000 tỷ đồng.
Dù vậy, theo đánh giá, hiện vẫn còn sự bất tuân quy định, tùy tiện trong tham gia giao thông, ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông chưa cao, đâu đó vẫn còn có tình trạng nể nang chưa xử lý dứt điểm. Điều đó cho thấy, chúng ta vẫn đang thiếu nền tảng về văn hóa giao thông.
Trong bối cảnh dân số đông và tiếp tục gia tăng, kéo theo số phương tiện cơ giới cũng không ngừng tăng (hiện mỗi năm ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng trưởng khoảng 6- 7%), các đại biểu cho rằng, việc bảo đảm an toàn giao thông là vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để làm được điều này, trước tiên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội, nhất là tại các cơ sở giáo dục. Cần tạo dựng thói quen tuân thủ quy định về an toàn giao thông - yếu tố tiên quyết để xây dựng văn hóa giao thông.
Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan, trong đó có Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy vào tháng 5.2024.
Đại biểu đề xuất, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nhiều nội dung, nhất là những quy định để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần của người tham gia giao thông, hướng tới giao thông văn minh, hiện đại. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với những đơn vị, tổ chức thực hiện đúng, như hạn chế thanh kiểm tra, tức tạo ra những “cơ chế mềm”, qua đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, bảo đảm thượng tôn pháp luật.