Thương mại điện tử đưa hàng Việt vươn xa

- Thứ Năm, 29/04/2021, 06:31 - Chia sẻ
Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường toàn cầu, giảm thiểu rủi ro và trì trệ do tác động của đại dịch Covid-19.
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Thương mại điện tử hiện là kênh mua sắm thường xuyên của một bộ phận đáng kể người tiêu dùng. Trước thực tế này, các doanh nghiệp từ lớn tới nhỏ đều đưa thương mại điện tử vào chiến lược phát triển như một xu hướng tất yếu. Về phía cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Công thương đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các nền tảng như: tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam Online Friday hay gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn... nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Ngày 28.4, Amazon Global Selling công bố mở rộng hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhằm giúp đỡ doanh nghiệp Việt phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, Amazon Global Selling cũng chính thức khởi xướng chương trình “Kỷ nguyên bứt phá, hàng Việt vươn xa” nhằm hỗ trợ người bán hàng Việt Nam ra thế giới thông qua việc cung cấp kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới; hỗ trợ quá trình thiết lập và vận hành gian hàng trên Amazon, đồng thời cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu.

 

Amazon Việt Nam cho biết, người bán hàng Việt Nam đã đạt doanh số vượt mốc 1 triệu USD trong năm 2020 trên Amazon, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Còn theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, năm 2020 có khoảng 53% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, đưa doanh thu thương mại điện tử tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD và chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Các tập đoàn lớn thế giới về công nghệ, tài chính, tư vấn như Google, Temasek và Bain&Company cũng dự báo, với tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm trong giai đoạn 2020 - 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, với sự bùng nổ của nền kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng tất yếu. Đứng thứ 2 cả nước về Chỉ số thương mại điện tử, TP. Hà Nội đã xác định đẩy mạnh thương mại điện tử là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế. Để đạt chỉ tiêu xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh Covid-19, ngoài kênh truyền thống, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chuyển sang xuất khẩu trực tuyến thông qua các kênh thương mại điện tử. Hiện, nhu cầu xuất khẩu qua các kênh thương mại điện tử của các doanh nghiệp Hà Nội rất lớn, và họ cần được đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới để có kiến thức và kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số. 

Theo đánh giá các tổ chức quốc tế, châu Á - Thái Bình dương tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới khoảng 37,7% cao hơn mức trung bình thế giới 27,7%. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam có thể đưa các sản phẩm ra toàn thế giới thông qua thương mại điện tử. 

Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, để hàng Việt nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng trên toàn thế giới, các doanh nghiệp cần thay đổi nhanh chóng trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ về những tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm của mình và tìm cách tăng cường các tiêu chuẩn đó. Có một thực trạng là nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận ngắn hạn đã đi lối tắt, hợp tác với các đơn vị không uy tín để có thể đạt tiêu chuẩn cho sản phẩm. Đây là một cách thức phát triển không bền vững, khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tiến xa. Ngoài ra, một vấn đề nữa là các khách hàng ngày càng quan tâm vấn đề sản phẩm có thân thiện môi trường, các sản phẩm khai thác có mang tính bền vững không, xuất xứ thế nào… Những tiêu chuẩn này vừa khó, vừa mới mẻ và chưa là điều quan tâm đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài và ảnh: Vũ Quang