“Thương hiệu” Chương trình 135
Nhắc đến chính sách, pháp luật về giảm nghèo trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi không thể không nhắc đến Chương trình 135. Với hơn 20 năm thực hiện, Chương trình đã được cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, nhân dân cả nước ghi nhớ và đi vào tiềm thức như một “thương hiệu” đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là lý do mà vừa qua, tại Hội thảo việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi - Những góc nhìn đa chiều do UBTVQH tổ chức, các đại biểu đã đưa ra đánh giá khách quan về hiệu quả thực hiện Chương trình 135 và giải pháp kéo dài giá trị thương hiệu này.
Chương trình đặc biệt quan trọng
Ngày 31.7.1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 135/1998/QĐ - TTg phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Như Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chia sẻ, đây là một chương trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có ảnh hưởng không những đến phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho đồng bào ở các vùng này, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề an ninh, quốc phòng ở những địa bàn xung yếu của đất nước.
Cùng với yêu cầu và những thách thức mới đặt ra, ngày 8.10.2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, Chương trình 135 là dự án II với nội dung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn.
Qua hai giai đoạn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định, mỗi mô hình đều có mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với thực trạng kinh tế - xã hội của mỗi địa bàn cũng như khả năng cân đối nguồn lực cho Chương trình. Đến nay, hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đã có đầy đủ các công trình hạ tầng, 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; 99% số trung tâm xã và 80% số thôn có điện, 65% số xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống… Phần lớn các trường tạm, lớp tạm cũng được xóa, tạo điều kiện huy động hầu hết trẻ em trong độ tuổi ở các xã đặc biệt khó khăn đến trường, góp phần tích cực hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Nhờ phổ biến học tập các mô hình sản xuất, làm ăn có hiệu quả, năng suất cao, tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, kết hợp với việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chính sách cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất đã góp phần làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn đồng bào các dân tộc, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao.
Thiếu thống nhất trong thực hiện - bước kéo lùi chính sách?
Tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y thông cũng thừa nhận, khi thực hiện Chương trình 135, việc lập kế hoạch phân bổ vốn đối với địa bàn đặc biệt khó khăn còn chậm; lập kế hoạch đầu tư ở một số nơi chưa sát với thực tế. Tác động của Chương trình 135 về giảm nghèo đối với địa bàn cũng phát sinh hạn chế như tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững. Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khởi dậy tinh thần, năng lực tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững còn nhiều bất cập.
Dưới góc nhìn của cơ quan giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, chỉ xét về phương án đầu tư từ Chương trình 135 cho các xã đặc biệt khó khăn và các xã ít khó khăn, dù Ủy ban Dân tộc đã đề xuất, nhưng không hiểu vì sao các bộ, ngành lại không đồng tình với phương án đó. Sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan trong triển khai thực hiện phải chăng chính là một bước kéo lùi chính sách, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành băn khoăn. Hay trong Chương trình 135, chúng ta còn chưa quan tâm phát triển năng lực cộng đồng, không thiết kế được chính sách trong vấn đề này (?).
Khó khăn là thế, nhưng thách thức của giai đoạn mới cũng không phải là nhỏ, các đại biểu nhận định, thiên tai và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của đồng bào dân tộc. Các mô hình phát triển sản xuất và công tác tạo sinh kế được triển khai nhưng với hiệu quả không cao, lại thiếu tính bền vững, đang khiến đồng bào dân tộc cảm thấy họ ngày càng thua về khả năng làm kinh tế. Khí hậu thay đổi, môi trường thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn và đồng bào dân tộc cảm thấy mệt mỏi khi phải làm nông nghiệp. Sinh kế mới khiến họ cảm thấy bất lực khi không biết làm gì. Dần dần, họ học cách làm nông nghiệp theo kỹ thuật mới được tập huấn, nhưng canh tác lại phụ thuộc vào bón phân, khi họ có cảm giác không theo kịp những người khá giả. Đầu tư kém hơn, năng suất kém hơn, khiến đồng bào dân tộc khó bắt nhịp kịp với hoạt động kinh tế thị trường.
Những thách thức trên có tính chất lâu dài, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do vậy, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề xuất, cần ban hành chính sách có chiến lược dài hạn đi đôi với chính sách mang tính chất cấp bách. Các chính sách phải kết hợp hỗ trợ có điều kiện gắn với tiêu chí cụ thể như đối tượng, địa bàn, thời gian thụ hưởng, bảo đảm tính hiệu quả của chính sách, tính khả thi trong bố trí nguồn lực thực hiện. Tích hợp một số chính sách hiện đang cấp bằng tiền mặt thành một gói trợ cấp có điều kiện để giảm đầu mối cơ quan quản lý, chi trả, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, thủ tục, chi phí đi lại cho đối tượng thụ hưởng khi nhận trợ cấp. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, huy dộng nguồn lực từ người dân và cộng đồng xã hội cho công tác giảm nghèo. Đổi mới hình thức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chuyển dần từ hình thức bao cấp sang đồng chia sẻ về kinh phí.
Trong công tác tổ chức thực hiện, cần phân công trách nhiệm rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp, các ngành. Trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối của ngân sách và ban hành cơ chế để địa phương tổ chức thực hiện. Các địa phương chủ động, bám sát thực tiễn để có cơ chế thích ứng trong điều hành. Có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng, minh bạch, tăng cường vai trò của cộng đồng trong công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát các chương trình, dự án, chính sách, công tác thống kê kịp thời, đầy đủ. Gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp quản lý với hiệu quả công tác kiểm tra giám sát. Xây dựng cơ chế quản lý vận hành các chính sách cần thông thoáng, đơn giản phù hợp với trình độ quản lý, dễ thực hiện.
Rõ ràng, muốn kéo dài hiệu quả Chương trình 135 nói riêng và hiệu quả chính sách giảm nghèo nói chung trong thời gian tới, những giải pháp nên trên cần được thực hiện đồng bộ và thống nhất. Đây cũng là ý kiến chung được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo, thiết thực phục vụ cho chuyên đề giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018 đang được UBTVQH tiến hành.