“Thương con ngài, dài con mình”
“Thương con người khác, đối xử có tình với con người ta, thì cũng chính là để phúc đức cho con cháu mình” - Ý của câu thành ngữ miền Trung trên là vậy! Nhưng hẳn là trong cơn rối lòng kia, người mẹ bất hạnh ấy đã không “tính” được như thế, mà chỉ có thể là trông cậy vào chữ “tâm” sẵn có trong mình…
Nếu là bạn, bạn có thể làm gì, khi đứa con bạn rứt ruột đẻ ra và nuôi nấng bao lâu vừa không may tử nạn, và một bên là các bác sỹ đang cố thuyết phục gia đình đồng ý hiến tạng của con, cho bốn bệnh nhân suy tạng khác, còn họ hàng thì ra sức phản đối, ngăn cản, âu cũng vì thương con xót cháu? Và đáng nói, đó lại còn là một cái chết bất đắc kỳ tử, gây bàng hoàng cho người thân: Người thanh niên, sau khi nằm hóng gió trên lan can ban công tầng 2 nói chuyện cùng bạn rồi ngủ quên và bị rơi xuống tầng 1, tới lúc được phát hiện thì đã rơi vào trạng thái chết não, không thể cứu chữa…
Một tình huống kịch tính cứ như trong phim, không nghĩ lại có ở ngoài đời thực và ở ngay bên cạnh ta: Một bà mẹ nông dân nghèo ở Quốc Oai, Hà Nội, 57 tuổi, trong cơn đau mất con, sau một hồi giằng xé, đã đi đến một quyết định khó khăn mà sáng suốt: đồng ý hiến tạng để cứu người. Chuyện hy hữu diễn ra sau đó: 4 ca ghép tạng gồm tim, gan, 2 quả thận cho 4 bệnh nhân từ một thanh niên chết não đã được Bệnh viện 103 kết hợp cùng Bệnh viện Việt Đức đồng loạt thực hiện và mang lại cơ hội sống cho cùng lúc 4 bệnh nhân, trong đó có một quân nhân, đúng hôm 27.7; cũng là hạnh phúc lớn lao đối với 4 gia đình của họ.
Dư luận thời gian qua đã dành nhiều nước mắt khóc thương và cảm phục người mẹ trẻ đã dũng cảm từ chối chữa ung thư để nhượng sự sống cho con mình. Một quyết định lớn lao và đẹp đẽ của tình mẫu tử! Và hẳn là cũng khó có lựa chọn nào khác, với một người làm mẹ, khi bị rơi vào tình huống trớ trêu đó. Nhưng để nói là khó xử, và cần đến chữ “tâm” hơn cả, hẳn phải là tình huống mà người mẹ của người thanh niên chết não kia vừa gặp phải. Khi cùng lúc, bà phải khóc cho con, cho mình và khóc cho cả con của người dưng. Trong nhận thức của một người phụ nữ nông thôn, chữ “hiến tạng” hẳn ít nhiều còn là một khái niệm xa lạ với bà và không dễ gì hình dung trong hoàn cảnh đó. Thế nhưng, trong cơn đau không dễ gì vượt qua ấy, bà vẫn cố gắng lắng nghe những lời thuyết phục, giải thích để đi đến quyết định nhân văn kia.
Thành ngữ miền Trung có câu “Thương con ngài, dài con mình”, ý là: Thương con người khác (tiếng địa phương là “con ngài”), đối xử có tình với con người ta, thì cũng chính là để phúc đức cho con cháu mình. Nhưng hẳn là trong cơn rối lòng kia, người mẹ bất hạnh ấy đã không “tính” được như thế, mà chỉ có thể là trông cậy vào chữ “tâm” sẵn có trong mình. “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” - như Nguyễn Du từng viết!