Mất tự tin, ảnh hưởng tới thẩm mỹ
Bệnh nhân Hoàng Xuân Dũng, sinh năm 1983 (Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội. Theo chia sẻ của anh Dũng, anh đã có 10 năm hút thuốc lá nhưng đặc biệt trong hơn 2 năm trở lại đây anh có triệu chứng bị đau nhức chân răng. Anh cho biết, mình bị hôi miệng, viêm chân răng quanh năm. Điều trị vừa dứt được một thời gian, giờ lại tái phát. Bác sĩ cho biết anh bị viêm tủy răng kèm theo viêm quanh răng. Nguyên nhân theo bác sỹ do anh Dũng hút thuốc lá lâu năm khiến toàn bộ hàm răng bị xỉn màu ố vàng và thường xuyên gặp các bệnh về răng miệng.
Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, GS.BS. Trịnh Đình Hải cho biết, nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng, tại sao mình thường xuyên đánh răng nhưng miệng vẫn có mùi hôi, răng vẫn ố vàng? Nếu như bệnh nhân đó hút thuốc thì 90% nguyên nhân gây hôi miệng chính là bởi thuốc lá.
Theo GS. Trịnh Đình Hải, trong thuốc lá chứa rất nhiều nhựa và các chất độc hại, những chất này một phần đi vào phổi nhưng một phần lưu lại khoang miệng. Khi người bệnh hút thuốc, các chất này tạo ra các mảng bám và cao răng. Điều này dẫn tới việc người sử dụng thuốc lá thường hỏng men răng từ khi còn rất trẻ tuổi. Bên cạnh đó, thuốc lá ám khói lên răng, làm đổi màu răng, đổi màu hàm giả, đổi màu các chất trám răng. Hút thuốc lá quá nhiều sẽ làm các gai lưỡi phát triển quá mức, có màu xám, tạo nhiều nếp gấp giúp vi khuẩn dễ bám gây hôi miệng. Những người hút thuốc dễ bám cao răng hơn người không hút, cao răng bám nhiều mặt ngoài của răng làm giảm thẩm mỹ nghiêm trọng; những người ngậm tẩu nhiều sẽ làm mòn răng ở chỗ cắn tẩu thuốc, làm cho hàm răng không đều…
“Có những bệnh nhân trong 2 năm mà đến viện lấy cao răng tới 3 lần và còn mắc thêm nhiều bệnh về răng miệng khác. Chưa nói tới sức khỏe chỉ nói tới vấn đề thẩm mỹ, người hút thuốc sẽ rất mất tự tin với hàm răng ố vàng và hơi thở có mùi khó chịu” - GS. Trần Đình Hải chia sẻ.
Người dân mắc nhiều bệnh nguy hiểm do hút thuốc lá |
Gia tăng các bệnh về răng miệng
Ngoài hàm răng xỉn màu, hôi miệng do thuốc lá thì những người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh răng miệng khác. Theo GS. Trịnh Đình Hải, thuốc lá làm tăng mức độ nặng và lan rộng của bệnh vùng quanh răng. Người trẻ hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét, đây là một loại bệnh nặng và nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng hoại tử loét, cuối cùng là mất răng. Những người có sức khỏe tốt mà hút thuốc kéo dài nhiều năm sẽ có nguy cơ bị viêm quanh răng mạn tính, bệnh tiến triển từ từ làm lung lay nhiều răng.
Đối với những bệnh nhân tiến hành phẫu thuật ở vùng miệng hoặc tiểu phẫu (nhổ răng, trồng răng) thì vết thương sẽ rất khó lành. GS. Trịnh Đình Hải giải thích, thuốc lá là một chất gây co mạch ngoại vi làm giảm cung cấp máu đến vùng có vết thương, carbon monoxit và các chất hóa học có trong khói thuốc ức chế các quá trình sinh học giúp làm lành vết thương, hút thuốc làm giảm tốc độ lưu chuyển máu trong mao mạch ngoại vi, làm chậm hình thành cục máu đông sau khi nhổ răng, thuốc lá làm giảm chức năng của bạch cầu nên bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn.
Song đáng lo ngại hơn hết, khói thuốc làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng gấp nhiều lần so với người không hút thuốc. Đây là căn bệnh ác tính xếp thứ 6 trong tổng số ung thư toàn thế giới. Ung thư khoang miệng bao gồm: Lưỡi di động, sàn miệng, lợi hàm dưới, lợi hàm trên và vòm miệng phần cứng, niêm mạc má trong, khe liên hàm, môi dưới, môi trên và mép. Ung thư khoang miệng có thể xảy ra ở bất cứ phần nào kể trên. Theo GS. Trịnh Đình Hải, hút thuốc lá đi kèm với uống nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn sẽ có sự tương tác hỗ trợ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, những người hút thuốc lá có tỷ lệ mắc các bệnh ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản gấp 12 lần so với những người không hút thuốc, không tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc. Có khoảng 90% số người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc và rủi ro mắc bệnh tăng tỷ lệ thuận với mức độ hút hoặc nhai thuốc. Khoảng 37% các bệnh nhân vẫn tiếp tục hút sau liệu trình điều trị ung thư có dấu hiệu khối u di căn sang vị trí khác như miệng, môi, lưỡi, cổ họng.
GS. Trịnh Đình Hải khuyến cáo, người dân nên chú trọng hơn trong việc sử dụng các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá. Theo ông, các bộ phận khác trong cơ thể chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các chất độc hại trong khói thuốc nhưng riêng răng miệng và vòm họng sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Việc từ bỏ thuốc lá sẽ giảm tỷ lệ mắc các bệnh về răng miệng từ 3 - 6 lần và giảm ung thư miệng lên tới 27 lần.