Thuốc lá - nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 07:01 - Chia sẻ
Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi có thể là do môi trường, chế độ ăn uống, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống. Đặc biệt, hút thuốc và phơi nhiễm khói thuốc được xác định là nguyên nhân chủ yếu.
Nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K mắc ung thư phổi do khói thuốc lá

Thuốc lá chứa nhiều hóa chất gây ung thư

Ông Long Xuân Hùng, 60 tuổi, Lạng Sơn đang điều trị tại Bệnh viện K chia sẻ, ông hút thuốc từ năm 18 tuổi, trung bình khoảng gần 2 bao 1 đêm. Mặc dù được gia đình khuyên bỏ thuốc lá từ lâu nhưng mãi sau đó, ông mới dừng hút. Năm 2000, cảm thấy làm việc nặng là khó thở, tức ngực khi vận động, ông Hùng đi khám thì phát hiện ung thư phổi và đến giờ khối u di căn.

Trường hợp của ông Hùng chỉ là một trong rất nhiều người bệnh có tiền sử hút trên 10 điếu thuốc mỗi ngày trong thời gian dài. Sự tiếc nuối cho sức khỏe và thời gian của mình cũng như là người thân trong gia đình luôn hiện hữu trên gương mặt của rất nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại Bệnh viện K.

Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K Nguyễn Khắc Kiểm cho biết, 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá. Trong khói thuốc lá có hàng nghìn hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, trong đó có chất 3 - 4 benzopyzen là chất gây ung thư; arsenic được dùng để bảo quản gỗ. Một số hợp chất arsenic có liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang. Có những bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi nhưng họ không hút thuốc, mà có thể do đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá như hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nói về các triệu chứng của bệnh ung thư phổi, Bác sĩ Nguyễn Khắc Kiểm cho biết, ung thư phổi có hai loại chính gồm ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%. Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác, dẫn đến việc điều trị không đúng phương pháp. Cho tới khi một số triệu chứng bộc lộ rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực… thì phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Hiện nay, có khoảng 25 - 30% bệnh nhân được điều trị theo phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u; 35% bệnh nhân điều trị tia xạ. Đối với ung thư phổi, tỷ lệ bệnh thoái giảm khi điều trị bằng hoá chất lên tới 80 - 90%. Hoá chất thường được sử dụng điều trị hỗ trợ với phẫu thuật và xạ trị khi bệnh ở giai đoạn mổ được; các trường hợp ở giai đoạn muộn, hoá chất có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống ở bệnh nhân.

Theo Bác sĩ Kiểm, đối với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn không điều trị được bằng các phương pháp kể trên. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để kéo dài sự sống, tỷ lệ sống trên 5 năm xấp xỉ 44,5%. Tuy nhiên, tiên lượng sống của bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 3 - 6 tháng.

Các chuyên gia Bệnh viện K cũng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng, chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ, khám tầm soát phát hiện sớm căn bệnh này. Bởi việc tránh xa thuốc lá hay từ bỏ thói quen này hoàn toàn có thể chủ động làm được, nhưng đa phần người bệnh điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K lại chỉ từ bỏ thói quen này khi đã có dấu hiệu mắc bệnh. Việc giữ thói quen sinh hoạt khoa học, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp vận động, tập luyện thể thao đều đặn, cải thiện vệ sinh môi trường nhất là khu công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi cũng là biện pháp ngăn ngừa ung thư phổi hiệu quả.

Tùng Dương