Thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Bài 1: NSND hưởng ngạch lương diễn viên hạng 3

Nguyên Anh 30/08/2010 00:00

Điều tưởng như phi lý nhưng lại đang tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đây là một trong những bức xúc mà Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ ghi nhận trong đợt khảo sát tại các đơn vị nghệ thuật vừa qua.

>> Bài 2: Nhà hát... không nhà

>>Bài 3: Gieo hạt để gặt quả

>>Bài 4: Xã hội hóa đơn vị nghệ thuật theo hướng nào?

>> Nghệ thuật biểu diễn chưa được quan tâm xứng tầm

>> Đầu tư cào bằng, nghệ thuật khó phát triển

Thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Bài 1: NSND hưởng ngạch lương diễn viên hạng 3 ảnh 1

52 năm mới đi hết các bậc lương

Do thang bảng lương của diễn viên đang được chia ra quá nhiều bậc (3 ngạch, 26 bậc – theo Nghị định 204/2004-NĐ/CP), nên nếu tính sơ sơ 2 năm lên một bậc lương (đối với hệ trung cấp) thì một nghệ sỹ phải mất... 52 năm mới đi hết các bậc lương. Nhiều nghệ sỹ vượt khung lương 17-18% mà không được chuyển ngạch, trong khi có khung lương không bao giờ đạt đến. Bởi muốn nâng ngạch lương thì phải đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định và thi nâng ngạch, nhưng không phải ngành nào cũng có thể tổ chức thi, do những đặc thù riêng và nếu tổ chức thi cũng không phải dễ tìm được người có đủ trình độ và uy tín để đánh giá. Vì thế, nhiều diễn viên có trình độ đào tạo ĐH hoặc đạt nhiều thành tích trong chuyên môn không được xét đặc cách cũng không được thi chuyển ngạch. Và cho đến khi nghỉ hưu, họ vẫn hưởng ngạch lương diễn viên hạng 3 - hạng thấp nhất. Cũng vì thế mới có chuyện các NSND, NSƯT như Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ), Thanh Ngoan (Nhà hát Chèo VN), Trần Quang Hùng (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Trần Vương Thạch (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh)... đều đang hưởng ngạch lương diễn viên hạng 3. Giám đốc Nhà hát Kịch VN kiêm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đạo diễn, NSND Lê Hùng cũng phải đề nghị lên đề nghị xuống mới được xét hưởng lương đạo diễn chính. Sau gần 40 năm trong nghề, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSƯT Vũ Ngoạn Hợp gần đây mới được hưởng ngạch lương diễn viên hạng 2. Ngay trong bảng lương diễn viên hạng 3 cũng chưa hợp lý, vì nó dùng chung cho các trình độ ĐH, CĐ và trung cấp; và từ người mới vào biên chế đến những nghệ sỹ đã công tác 20-30 năm ở cùng ngạch lương.

Lao động nghệ thuật là loại hình lao động khổ luyện mang tính đặc thù. Tuổi nghề của diễn viên thường rất ngắn, chỉ 15-20 năm, diễn viên múa và xiếc thậm chí ít hơn, nhưng thời gian đào tạo lại khá dài. Như đối với nghệ thuật hàn lâm, để đào tạo một diễn viên bậc trung cấp mất 5-7 năm, bậc đại học 9-11 năm; diễn viên nhạc đào tạo 5-15 năm, diễn viên xiếc, múa đào tạo từ 7-9 năm... Do đó, tuổi nghề của diễn viên một số loại hình nghệ thuật cần phải được xem xét lại, thực tế và khoa học hơn, để có chính sách ưu tiên phù hợp, như đẩy sớm độ tuổi nghỉ hưu so với quy định để trẻ hóa đội ngũ và có nghệ sỹ biểu diễn; đồng thời có chính sách đãi ngộ xứng đáng để nghệ sỹ sống được bằng nghề và toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật.

Danh hiệu và sự đãi ngộ

Việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT dựa vào số lượng huy chương tại các kỳ hội diễn chuyên nghiệp, trong khi sự kiện này 5 năm mới tổ chức một lần, mà độ tuổi thanh xuân của nghệ sỹ bền lắm cũng chỉ được 10 năm. Hơn thế, đặc thù của sân khấu biểu diễn, mỗi vở chỉ có 1-2 nhân vật chính, và không phải vở nào diễn viên cũng được đóng vai chính, cũng không phải hội diễn nào diễn viên cũng được tham gia vai diễn để đi thi. Có một số loại hình như giao hưởng không thể tham gia hội diễn để kiếm huy chương, mà phải đánh giá dựa trên tài năng và cống hiến của nghệ sỹ. Hơn thế, nếu theo quy định, phải được 2 HCV hội diễn toàn quốc trở lên mới được đưa vào diện bình xét phong tặng danh hiệu, các nghệ sỹ có 1 HCV, 1 HCB hoặc 3-4 HCB thì sao? Tiêu chuẩn xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND khó và phức tạp như vậy, nhưng nếu đạt, các nghệ sỹ chỉ được thưởng một khoản 3-5 triệu đồng mà không kèm theo chế độ đãi ngộ gì. Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, nhạc sỹ Trọng Đài cho rằng, việc phong tặng danh hiệu nên có cơ chế mở để các nghệ sỹ trẻ tài năng đã được xã hội ghi nhận sớm có danh hiệu NSND, NSƯT. Còn lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ kiến nghị: việc phong tặng danh hiệu cũng cần nghiên cứu tiêu chuẩn phù hợp đối với các nghệ sỹ hoạt động ngoài công lập, không có điều kiện tham dự các hội diễn chuyên nghiệp. Thêm vào đó, các nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSƯT nên được đặc cách xếp lương diễn viên hạng 2; nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu NSND nên được đặc cách xếp lương diễn viên hạng 1.

Chế độ bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn cũng là điều đáng bàn. Theo Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg ngày 9.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành văn hóa – thông tin, bồi dưỡng tập luyện 10.000 - 20.000 đồng/ngày; bồi dưỡng biểu diễn 20.000 - 50.000đ/buổi. Quy định này đã quá lạc hậu so với biến động giá cả thị trường thời gian qua, không thể khuyến khích nghệ sỹ sáng tạo những tác phẩm có chất lượng. Vì thế, hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều phải tìm cách nâng mức bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn để giữ chân nghệ sỹ với nghề, như Nhà hát Tuổi trẻ, mỗi buổi biểu diễn, diễn viên chính được 160.000 đồng; Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, mức bồi dưỡng cao nhất cho nghệ sỹ là 400.000đ/đêm diễn...

Chính vì những bất hợp lý trong chế độ lương, phụ cấp, chính sách đãi ngộ đối với nghệ sỹ như trên nên các diễn viên trẻ không mặn mà đến với sân khấu, đặc biệt là kịch hát dân tộc. Ngay cả các nghệ sỹ cũng không muốn con em mình nối nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thực trạng hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Bài 1: NSND hưởng ngạch lương diễn viên hạng 3
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO