Thức tỉnh sự tôn trọng tự nhiên

Minh Vân 15/12/2017 09:01

“Sự xuất hiện của phê bình sinh thái có ý nghĩa như một đối thoại văn hóa, thấm đầy tính nhân văn, lay thức sự tôn trọng tự nhiên của mỗi con người… Nuôi dưỡng tình yêu với tự nhiên chính là bảo vệ sự sống của chính mình” - PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Phê bình sinh thái: Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” ngày 14.12.

Khuynh hướng mới

“Văn học là nhân học, là môn học góp phần dạy làm người, giúp con người thích nghi được với môi trường sinh thái trong đời sống tự nhiên - xã hội “đang là”; “đương thời”. Cái khó của nhà văn là nhận ra đường đi, tìm ra đạo và biết cách “kể chuyện” sao cho độc giả thấy hấp dẫn và thuyết phục nhất. Do đó, dù ở lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác nào, không có khái niệm nhà văn đích thực tuyệt đối mà chúng ta chỉ có thể tiến đến các giá trị đích thực tuyệt đối...”.

 Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Xuất hiện tại Anh, Mỹ, ngay từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trong nhiều báo cáo về môi trường, người ta bắt đầu quan tâm đến biến đổi khí hậu. Tiến trình phá hủy sinh quyển ở quy mô lớn đã khiến nhiều loại sinh vật bị tuyệt chủng, nhiều dòng sông bị bức tử, ô nhiễm ngày càng trầm trọng... Thế nhưng, những lời kêu gọi của các nhà khoa học hầu như bị phớt lờ. Trước thực trạng ấy, sự vào cuộc của văn học và phê bình sinh thái có ý nghĩa như một cam kết tự nguyện về trách nhiệm của nhà văn trước vấn nạn môi trường.

Tại Việt Nam, phê bình sinh thái cũng đã được nói đến nhiều năm qua. Trước hết, trong lĩnh vực sáng tác, người đọc có thể nhận thấy tư tưởng sinh thái xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn, Vũ Hùng... Nếu Nguyễn Huy Thiệp luôn nhấn mạnh đến sự thanh cao của môi trường tự nhiên thì Nguyễn Ngọc Tư đưa ra những âu lo về sự phát triển của môi trường trong cuộc sống hiện đại, còn Nguyễn Minh Châu luôn coi tự nhiên là sinh thể có tiếng nói, vẻ đẹp và mối quan hệ bí ẩn tồn tại song song với con người...

Còn dưới góc độ học thuật, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thuật ngữ, như: sáng tác tự nhiên (nature writing), văn học sinh thái (environmental literature) hay ngôn ngữ xanh (green language) với cách kể chuyện nhẹ nhàng, giúp thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, kêu gọi con người bảo vệ vạn vật và duy trì cân bằng sinh thái.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, sự xuất hiện của phê bình sinh thái có ý nghĩa như một đối thoại văn hóa, khi nó đề xuất tư tưởng lấy sinh thái làm trung tâm, thay thế tư tưởng coi con người là trung tâm. “Như một hệ quả của việc định vị tư tưởng triết học sinh thái trung tâm, các nhà nghiên cứu dần nhận thấy ý nghĩa khoa học của phê bình sinh thái là hết sức rõ nét, toát lên từ tư tưởng tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với tự nhiên. Đây thực sự là tư tưởng thấm đầy tính nhân văn, góp phần điều chỉnh mâu thuẫn trong phát triển. Văn chương không thể đưa ra hệ thống chính sách, giải pháp, nhưng có thể lay thức sự tôn trọng tự nhiên của mỗi con người. Nuôi dưỡng tình yêu với tự nhiên chính là bảo vệ sự sống của chính mình” - PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp khẳng định.

Bộ sách viết về muông thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp của nhà văn Vũ Hùng
Bộ sách viết về muông thú, rừng núi và thiên nhiên tươi đẹp của nhà văn Vũ Hùng

Cần kiến thức đa ngành

Sự xuất hiện của phê bình sinh thái được hiểu như chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trước bối cảnh văn hóa đương đại. So với văn học sinh thái, phê bình sinh thái xuất hiện muộn hơn và gây nhiều tranh cãi hơn. Trên thực tế, thế giới đang có hai cách hiểu về phê bình sinh thái. Hiểu theo nghĩa rộng, phê bình sinh thái ám chỉ mọi nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học với môi trường vật lý. Cách hiểu thứ hai mang tính đặc thù của thời đại toàn cầu hóa, đó là các nghiên cứu số phận của môi trường sinh thái dưới tác động của con người từ góc nhìn của văn học.

Ở Việt Nam, việc tiếp cận phê bình sinh thái mới chỉ ở điểm bắt đầu. Đa số giới sáng tác và phê bình dường như vẫn đứng ngoài cuộc, mặc dù họ cũng đang là những tác nhân và nạn nhân của sự hủy hoại môi trường. Chia sẻ bên lề hội thảo, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thừa nhận thực trạng trên, cho rằng, dù mới tiếp cận nhưng cần tìm hiểu lý thuyết, khái niệm, công cụ cũng nghiên cứu kỹ tài liệu quốc tế, tránh khiên cưỡng áp dụng. “Chúng ta thường hay “lạm phát” trong áp dụng, cái gì mới là áp dụng ngay mà không có nghiên cứu đầy đủ. Do đó, phải đọc các công trình của nước ngoài xem họ áp dụng, đánh giá, nghiên cứu thế nào” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.

Đồng quan điểm và coi phê bình sinh thái là một thành phần của phong trào văn hóa - xã hội bảo vệ môi trường. PGS.TS Nguyễn Văn Dân cũng nhấn mạnh: “Phê bình sinh thái đòi hỏi phải có trình độ đa ngành, đặc biệt là trình độ về khoa học môi trường, văn hóa đọc và khoa học phát triển bền vững. Nó hoàn toàn không thể là công việc ngẫu hứng của các nhà văn và nhà phê bình. Đồng thời, cần nắm rõ đặc trưng của phê bình sinh thái hiện đại để không nhầm lẫn với phê bình thiên nhiên”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thức tỉnh sự tôn trọng tự nhiên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO