Thực thi các FTA: Còn nguyên thách thức

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:22 - Chia sẻ
Các hiệp định thương mại tự do chính là điểm tựa để xuất khẩu đạt được tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nhiều thách thức vẫn còn đó, nếu không giải quyết được thì dù các hiệp định mang lại những ưu đãi lớn về thuế quan nhưng doanh nghiệp trong nước cũng chỉ biết nuối tiếc mà thôi.

Điểm tựa cho xuất khẩu

Đại diện Bộ Công thương đánh giá năm 2020 mang đậm dấu ấn của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8, sau đó Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UVFTA), nâng tổng số FTA nước ta đã tham gia lên con số 15. 

Chính các FTA đã giúp xuất khẩu đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 quý đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm 3,8%. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã khai thác rất hiệu quả thị trường EU ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Qua đó, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2020 đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% - cao nhất trong khu vực và thế giới.

“Các FTA, nhất là EVFTA, tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng đã có những tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết. Năm 2020, xuất khẩu dệt may chỉ đạt 35 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với năm 2019 và thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD giảm xuống 600 tỷ USD, Chủ tịch Vinatex cho rằng đây là kết quả chấp nhận được.

Theo thông tin từ Tổng Giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng, từ khi EVFTA có hiệu lực, trái cây Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn ở châu Âu. Trong ngày đầu tiên năm mới 2021, doanh nghiệp đã xuất 8 container trái cây qua đường hàng không sang các nước; xuất 3 container theo đường biển, gồm có 1 container xoài sang Australia, 1 container dừa sang Mỹ, 1 container dừa qua Hàn Quốc.

Năm 2021, Vina T&T không chỉ tập trung vào thị trường truyền thống như Mỹ, Australia, mà sẽ mở rộng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Để chinh phục các thị trường này, Vina T&T đang đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đội ngũ kỹ thuật để duy trì và mở rộng các vùng trồng đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, ông Tùng cho biết.

Tương tự, đối với ngành xuất khẩu đến 90% như da giày, các FTA mở ra cơ hội rất lớn khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, các FTA đã mang sản phẩm của Việt Nam tới nhiều thị trường trên thế giới.

“Thách thức vẫn ở đó…”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các FTA thế hệ mới tạo ra những cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chao đảo, doanh nghiệp các nước đang xem xét và sắp xếp lại chuỗi cung ứng cũng như thay đổi, củng cố các mối quan hệ và đối tác. Việt Nam sẽ có cơ hội lấp vào khoảng trống của sự thay đổi này, bà Lan tin tưởng.

Tuy vậy, để tận dụng tối đa được những cơ hội từ các FTA, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực tế hiện nay, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Cùng với đó, môi trường kinh doanh, hệ thống thể chế cũng cần nhiều thay đổi để làm yên tâm các nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng cần nâng cao khả năng kết nối giữa các doanh nghiệp. “Thực tế hơn 30 năm mở cửa, chúng ta vẫn làm gia công mà không vươn lên được các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Thách thức vẫn còn đó, nếu doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước không cố gắng, tạo sự chuyển biến tích cực thì các thị trường trong EVFTA, CPTPP... sẽ quên chúng ta”.

Chia sẻ về khó khăn của ngành dệt may, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, doanh nghiệp đang rất yếu về nguyên phụ liệu, chủ yếu phải nhập khẩu. Bởi vậy, việc tuân thủ các quy định về xuất xứ, từ vải trở đi, trong EVFTA, là điểm nghẽn rất lớn. Bộ Công thương cần hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ để hỗ trợ doanh nghiệp, ông đề xuất. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt; có cơ chế, chính sách đồng bộ, kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp nước ngoài. “Nếu không làm được điều đó thì dù CPTPP, EVFTA... mang lại nhiều ưu đãi lớn về thuế quan thì doanh nghiệp trong nước cũng chỉ biết nuối tiếc mà thôi”, ông Trường nói.

Về phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực của mình để tận dụng tốt cơ hội các FTA mang lại, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ quan điểm. Theo đó, năng lực quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng được chuẩn quốc tế, doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu chuẩn về môi trường, chất lượng, trách nhiệm xã hội….

An Thiện