Thực sự trở thành Chính phủ phục vụ

- Thứ Ba, 06/04/2021, 08:27 - Chia sẻ
Chiều qua, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức, khẳng định sẽ cùng bộ máy Chính phủ hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Nhìn về tương lai, Chính phủ khóa mới có nhiều thuận lợi song cũng đứng trước những thách thức đòi hỏi phải nỗ lực hơn để vượt qua.

GS. TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, ĐBQH Hà Nội: Cải cách thể chế là trụ cột số một

Ảnh: Lâm Hiển

Việt Nam đang có cơ đồ và vị thế rất thuận lợi tiếp tục trên đà phát triển tiến lên. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Trước tiên, vừa phải ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 để giữ vững các thành quả được cả thế giới ngưỡng mộ vừa phải mở cửa nền kinh tế một cách hợp lý để thích ứng với điều kiện và môi trường mới đang thay đổi trên thế giới.

Nhiều nước trên thế giới đã tiêm vaccine rộng rãi, đã có dự tính mở cửa để bình thường hóa các quan hệ giao thương. Nền kinh tế thế giới đang được dự báo sẽ phục hồi nhanh, trong đó nhiều nước dự kiến có mức tăng trưởng cao, như Trung Quốc lên đến trên 8%. Nếu chúng ta không có giải pháp để mở cửa, bắt nhịp và tìm được chỗ đứng có lợi thế trong các dòng kinh tế đang được phục hồi trên thế giới thì có thể sẽ lỡ nhịp phát triển nhanh sau đại dịch và dễ rơi vào tụt hậu, mất thị phần cũng như vị thế vốn đang có nhiều triển vọng.

Để biến nguy thành cơ, vượt qua thử thách, nắm bắt thời cơ, Chính phủ mới cần có những quyết sách nhanh nhạy, mạnh mẽ, chính xác, kịp thời để kết hợp hiệu quả giữa mở cửa thúc đẩy phát triển kinh tế với kiểm soát dịch. Bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch đã triển khai có hiệu quả trong thời gian qua, cần sớm triển khai áp dụng phù hợp, chuẩn xác hộ chiếu vaccine trên cơ sở phát triển quan hệ và hợp tác thông tin quốc tế. Đồng thời, huy động sự chung tay của toàn xã hội, của cộng đồng và doanh nghiệp, thực hiện xã hội hóa các nguồn lực để tiêm phòng vaccine diện rộng.

Thách thức thứ hai là nguồn lực cho phát triển trong bối cảnh chúng ta vẫn phải tiếp tục hiện các chính sách tài khóa như giãn, hoãn thuế và nghĩa vụ đóng góp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới bắt đầu phục hồi, còn đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải tìm lời giải tối ưu cho bài toán ngân sách, các giải pháp tiền tệ để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển nhanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau đại dịch.

 Để tạo nguồn lực phát triển, một mặt cần tính đến các giải pháp tài khóa cần thiết trong điều kiện tỷ lệ nợ công đã xuống thấp; sử dụng một cách cẩn trọng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lãi suất điều hành đang ở mức thấp. Mặt khác, cần tiếp tục tiết giảm chi phí hành chính và các khoản chi không chính thức, giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Điều quan trọng hơn cả phải xóa bỏ các ràng buộc để khơi thông huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tạo nguồn đầu tư chính cho phát triển. Muốn cắt giảm chi phí hành chính, giảm chi thường xuyên, muốn xóa bỏ các ràng buộc thì vấn đề cốt yếu là có cải cách mang tính đột phá về thể chế. Cải cách mang tính đột phá về thể chế vẫn phải là trụ cột số một để phát triển.

Cải cách mang tính đột phá về thể chế vừa là điều kiện, vừa là thách thức đối với Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Để cải cách mang tính đột phá không đơn thuần là cắt giảm thủ tục hành chính mà phải thay đổi, cải cách bộ máy, đổi mới công tác bố trí, sắp xếp cán bộ trong bộ máy theo vị trí việc làm, có các tiêu chí (KPI) đánh giá kết quả đầu ra của mỗi vị trí, thay đổi phương thức quản trị của xã hội từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ. 

Nhiệm vụ này đòi hỏi Thủ tướng cùng Chính phủ phải có quyết tâm cao, quyết liệt trong đổi mới từ tổ chức bộ máy đến lựa chọn, đánh giá cán bộ, trọng dụng nhân tài, khuyến khích đổi mới sáng tạo trước hết trong quản lý, quyết tâm thay đổi cơ chế vận hành từ Chính phủ quản lý trở thành Chính phủ phục vụ. Qua đó, tăng cường niềm tin, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng, bằng tâm huyết cống hiến và tận tụy để huy động nguồn lực đầu tư bên trong và thu hút từ bên ngoài nước cho công cuộc phát triển thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: Ưu tiên cho an sinh xã hội

Nhiệm kỳ tới không dễ dàng với Chính phủ mới. Ít nhất 2 năm tới, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam sẽ vẫn chịu tác động của Covid-19. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ trước mắt cần tập trung ưu tiên cho an sinh xã hội. Bởi dịch đã làm nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể bị mất thanh khoản cũng như thị trường, doanh thu, đồng nghĩa người lao động cũng bị mất việc, mất thu nhập. Chính phủ cần quan tâm đến các đối tượng này, bằng cách phải có ngay chính sách hỗ trợ.

Muốn vực dậy nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục có những chương trình dự án cơ sở hạ tầng lớn. Không riêng Việt Nam, mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu khổng lồ trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, các ngân hàng cần tham gia vào tổ hợp tín dụng lên đến 300.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh. Tổ tín dụng này phải làm việc với quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo đảm cho các ngân hàng về mặt rủi ro khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một kế hoạch để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, bởi những bài học về sự cố môi trường trong quá khứ như Formosa vẫn còn giá trị. Nếu không sẽ không thể có sự phát triển bền vững.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường HOÀNG DƯƠNG TÙNG: Bảo vệ môi trường quyết liệt hơn

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021 - 2025. Để hiện thực hóa, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ sở sản xuất. Do vậy, vấn đề môi trường cần được Chính phủ quan tâm làm tốt hơn, bảo đảm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, các vấn đề môi trường đã được Chính phủ khóa trước quan tâm với nhiều văn bản liên quan. Tuy vậy chúng ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí. Việt Nam cũng đứng trước thách thức thiếu nước. Rõ ràng, quy định đã có song khâu triển khai thực hiện chưa tốt.

Để bảo đảm phát triển bền vững, việc giám sát thực hiện các chính sách về môi trường rất cần thiết. Đồng thời, cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi, khuyến khích các đơn vị làm tốt, xử lý nghiêm đơn vị gây ô nhiễm thay vì phạt rồi cho tồn tại như cách làm lâu nay. Đây là những vấn đề mà Chính phủ mới phải làm quyết liệt để tạo chuyển biến thực sự trong bảo vệ môi trường. 

Đan Thanh