Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020

Thực hiện vẫn là khâu yếu

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 05:37 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các đại biểu Quốc hội ghi nhận nỗ lực và các kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song tình trạng lãng phí trong sử dụng trụ sở công, đất đai, do dự án “treo”... cho thấy thực hiện vẫn là khâu yếu.

Chậm là... lãng phí

Thảo luận tại Tổ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đến biểu hiện lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công được Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra. Trong đó, hiện tượng có bộ, cơ quan Trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng được quan tâm, vì chưa được báo cáo của Chính phủ chỉ ra nguyên nhân và giải pháp để xử lý.
Nêu ví dụ cho hạn chế này, ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) lưu ý, các sở chuyên ngành chuyển về khu liên cơ Võ Chí Công của thành phố Hà Nội đã phải xin về trụ sở cũ, vì không có chỗ gửi xe, thiếu phòng họp... - là một sự lãng phí trong đầu tư, sử dụng trụ sở công. Ngoài ra, đại biểu Hoàng Hữu Chiến cũng nhận thấy, một số địa phương tồn tại tình trạng vừa có hội trường tỉnh ủy, vừa có hội trường ủy ban nhân dân tỉnh; vừa có nhà khách tỉnh ủy, vừa có nhà khách ủy ban nhân dân... Nếu tính cả kinh phí vận hành, trả lương cho đội ngũ nhân viên, bảo dưỡng, bảo trì công trình... thì đây sẽ là một sự lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước. Trong thời gian tới phải nghiêm túc khắc phục hạn chế này, các đơn vị cùng sử dụng chung một công trình, không mạnh đơn vị nào đơn vị đó đầu tư như trước đây, đại biểu Hoàng Hữu Chiến đề nghị.

Ở góc độ khác, ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) trăn trở với hiện tượng triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm. Dù Chính phủ đã thẳng thắn nhận định khâu yếu nhất của chúng ta hiện tại là tổ chức thực hiện, song đại biểu Phan Viết Lượng lưu ý, chậm trễ trong thực hiện gây lãng phí rất lớn. Đại biểu cũng ví von từ “chậm” thường gắn với từ “lãng phí”.

Thất thoát từ lãng phí còn hơn tham nhũng

Nhận định “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến, tạo được nguồn lực hết sức lớn. Tại Hà Nội, sau khi tiến hành rà soát, giám sát và hậu giám sát các dự án treo trên địa bàn toàn thành phố đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành phố bứt phá giai đoạn vừa qua. Năm 2020 Hà Nội tăng trưởng gấp 1,3 lần trung bình chung cả nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức. Do đó lần này, Quốc hội quyết tâm đưa ra thảo luận tại hội trường và tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu như các nước trên thế giới, các cơ quan nhà nước thuê lại trụ sở do tư nhân xây dựng thì Nhà nước không phải đầu tư từ đầu, không phải lo việc bảo trì phục vụ; khi đó vốn đáng lẽ phải đầu tư công xây trụ sở được chuyển thành chi thường xuyên, nhà nước có thêm nguồn tiền để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, quy định về tiêu chuẩn định mức, mua sắm tài sản, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công... còn nhiều bất cập gây khó khăn trong thực hiện.

Vì thế, “phải quản lý, sử dụng tài sản công tiệm cận như tài sản tư. Quốc hội lựa chọn giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí, mỗi năm chọn một lĩnh vực, tập trung vấn đề trọng điểm, từ đó để đi vào nền nếp, cải thiện được tình hình, không chỉ ở lĩnh vực công mà cả ở lĩnh vực tư, huy động được toàn bộ nhân lực, vật lực, tài lực của đất nước cho phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trong thời gian qua, nhiều cơ quan đã vào cuộc, thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tham mưu ban hành thể chế, triển khai quản lý các nguồn lực của Nhà nước, đặc biệt là tài sản công. Nhận thức của người dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có chuyển biến, thể hiện từ tiêu dùng cá nhân đến chi tiêu cho gia đình. Nhưng so với mong muốn, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đạt yêu cầu, nhiều hiện tượng khiến các đại biểu Quốc hội còn trăn trở. Bởi vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nếu Quốc hội biểu quyết thông qua lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giám sát trên phạm vi cả nước sẽ phát hiện và giải quyết được nhiều vấn đề.

Thanh Hải