Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026:

Thực hiện tốt quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 15:33 - Chia sẻ
Đây là yêu cầu đặt ra tại Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, sáng 22.1.

Đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, chất lượng

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh

Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các ban Bộ, ngành Trung ương đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử để kịp thời triển khai thực hiện trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành các văn bản liên quan nhằm đảm bảo quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử và Thông tri của Ban Thường trực hướng dẫn giám sát cuộc bầu cử.

“Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Mặt trận các cấp cần quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu có chất lượng, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Thông tin tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 17 văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam ban hành liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là hệ thống văn bản hết sức cơ bản, quan trọng, xuyên suốt trong quá trình bầu cử. Vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận các cấp thể hiện rất rõ trong từng văn bản.

Từ các văn bản liên quan, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng các kế hoạch công tác bầu cử cụ thể và chi tiết; rà soát kỹ các công việc, nhất là các công việc liên quan đến vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, bám sát hướng dẫn, tiến độ, phân công trách nhiệm tập thể, cá nhân, từng người, từng việc, bảo đảm sự chính xác, kịp thời, chủ động trước mọi tình huống; tổ chức tốt các hội nghị tập huấn để cán bộ Mặt trận nắm vững pháp luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan trung ương, nhất là những nội dung trong công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử. Đây là tiền đề quan trọng, quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo của MTTQ Việt Nam trong cuộc bầu cử.

Bảo bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận

Để bảo đảm chất lượng của đại biểu, ngay từ khâu lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử phải bảo đảm thực chất. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử, các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định rõ hơn về ý kiến của các tổ chức đoàn thể để bảo đảm tỷ lệ, cơ cấu cũng như bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, hội viên của các tổ chức này.

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Ảnh: Quang Vinh

Trong khi đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, trên cơ sở các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên quan đến công tác bầu cử, Mặt trận các cấp cần tổ chức triển khai đảm bảo thực chất, khách quan và có chất lượng. Hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương cần nghiên cứu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các Thông tri của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và của các ban bộ ngành liên quan để triển khai công tác bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp tới từng địa bàn khu dân cư.

Để bảo đảm yêu cầu đặt ra trong công tác bầu cử, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, cần coi trọng phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với Ủy ban bầu cử, Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp. Đây là điều kiện hết sức quan trọng đảm bảo cho Mặt trận hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, đảm bảo về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận…

Nhấn mạnh, việc tham gia công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm số một của hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu, trong khoảng thời gian cao điểm này, nhiệm vụ của Mặt trận các cấp vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vừa phải thực hiện kiểm tra giám sát.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với kinh nghiệm, sự nhiệt tình trách nhiệm cao của của đội ngũ cán bộ các địa phương, Mặt trận sẽ quyết tâm hoàn thành những nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, nhiệm vụ đột xuất; đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu đề ra nhằm góp phần vào thành công cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 tập trung vào 5 bước sau:

Bước 1: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 3.2 đến ngày 17.2.2021.

Bước hai: Cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện thời gian từ ngày 24.2.2021 đến ngày 11.3.2021.

Bước ba: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện trong thời gian từ ngày 15.3.2021 đến ngày 19.3.2021.

Bước bốn: Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện thời gian từ ngày 21.3.2021 đến ngày 13.4.2021.

Bước năm: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức thời gian từ ngày 14.4 đến ngày 18.4.2021.

Hà An