Đó là nội dung được Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh qua giám sát kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Công khai, minh bạch trong bầu chọn
Kết quả giám sát cho thấy, thời gian qua, các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã bầu chọn người có uy tín bảo đảm công khai, minh bạch. Theo đó, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn (xóm) chủ trì hội nghị liên tịch của thôn, xóm để bầu chọn và trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Giai đoạn 2018 - 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt được 6.868 lượt người có uy tín; giai đoạn 2020 - 2022, hàng năm UBND tỉnh phê duyệt 1.462 người có uy tín; năm 2024, phê duyệt được 1.462 người có uy tín.

Các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện. Từ năm 2018 - 2024, tổng kinh phí phân bổ để thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh là 41,458 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 35,136 tỷ đồng; ngân sách địa phương 6,321 tỷ đồng), số kinh phí này bảo đảm đạt 100% so với đề xuất của các đơn vị thực hiện các chính sách; số kinh phí đã thực hiện từ năm 2018 đến hết tháng 6.2024 là 26,297 tỷ đồng (bằng 63,42% dự toán được giao).
Trong đó, đã cấp 1.164.440 tờ báo Dân tộc và phát triển và 375.147 tờ Báo Cao Bằng cho người có uy tín; tổ chức 1 hội nghị biểu dương, khen thưởng với 150 người có uy tín tham gia; tổ chức được 26 lớp tập huấn cho 1.821 lượt người có uy tín; tổ chức được 5 cuộc học tập kinh nghiệm tại các tỉnh cho 240 lượt người có uy tín; tiếp đón 36 đoàn với 1.341 người có uy tín các tỉnh đến thăm và làm việc tại tỉnh…
Bảo đảm chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng
Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, chế độ, chính sách cho người có uy tín còn ở mức khá thấp; việc cấp báo tại một số nơi chưa kịp thời; tiến độ giải ngân kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín chậm; năm 2022 và 2023 dự toán nguồn ngân sách Trung ương giao cho cấp huyện thực hiện nhiệm vụ chi chỉ đạt hơn 41% và 42% so với dự toán được giao…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm
Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị, UBND các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị tuân thủ các tiêu chí để lựa chọn người có uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế, tránh trường hợp người có uy tín sau khi được bầu lại mất uy tín, vi phạm pháp luật... hoặc người có uy tín sức khỏe yếu phải thay thế, bổ sung; triển khai kịp thời và có chất lượng các đoàn đi học tập kinh nghiệm và các lớp tập huấn, tránh để dồn đến thời điểm cuối năm, ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động; cung cấp các tài liệu để người có uy tín tuyên truyền với Nhân dân…
Đối với Ban Dân tộc tỉnh, cần có ý kiến với Bưu chính viễn thông tỉnh để chỉ đạo việc cấp phát báo đến người uy tín được kịp thời; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền một số nội dung thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa có như: bổ sung quy định cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín là người dân tộc kinh ở khu vực I; thủ tục công nhận người có uy tín đối với người đang là Bí thư chi bộ xóm cần được ngắn gọn hơn; nâng mức chi thăm hỏi, tặng quà cuối năm cho người uy tín; có hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc tổ chức tập huấn như thời gian, số lượng lớp, số lượng người tham gia để việc tổ chức tập huấn cho người có uy tín chủ động và kịp thời hơn. Đặc biệt, cần có hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ của người có uy tín trong cộng đồng và trách nhiệm phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở đối với người có uy tín…