Rác chưa được phân loại còn chiếm tỷ lệ lớn
Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam Đồng bằng Bắc Bộ có 78,5% dân số cư trú trên địa bàn nông thôn. Theo thống kê của các ngành chức năng, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước khoảng 328,2 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 67% tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Rác thải sinh hoạt có thành phần đa dạng, khác nhau, phụ thuộc vào mức sống của người dân và sự phát triển của từng địa phương. Trong đó, rác thải hữu cơ chiếm 70-75%, rác vô cơ như thủy tinh, kim loại, nhựa... chiếm 25-30%.
Sau khi thu gom, vận chuyển, rác được xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình thành phân vi sinh công suất 600 tấn/ngày đêm, chất thải vô cơ được chôn lấp tại bãi rác Thung Quèn Khó và bãi rác của xã, thôn. Còn lại khối lượng rác thải được xử lý bằng lò đốt tại một số xã khoảng 14 tấn/ngày. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý tập trung mới đạt 73% thấp hơn khu vực thành thị. Phần lớn lượng rác thải phát sinh chủ yếu từ quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình, khu dịch vụ công cộng, từ các cơ quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... ngày càng lớn và chưa được phân loại tại nguồn đã và đang gia tăng áp lực cho công tác thu gom, xử lý. Rác được thu gom chủ yếu là các túi ni lông và lượng rác hữu cơ dễ phân hủy chưa tận dụng để làm nguồn phân vi sinh phục vụ trồng trọt. Bên cạnh đó, người dân quá lạm dụng các loại phân bón hóa học, gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Những tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một bộ phận chính quyền và đoàn thể ở các địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường; thiếu trách nhiệm trong quản lý, điều hành, phối hợp giải quyết xử lý rác thải; chưa tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn để giảm bớt lượng rác thải và kinh phí vận chuyển xử lý. Thứ đến, việc đầu tư của nhà nước, các doanh nghiệp và người dân phục vụ cho công tác tuyên truyền, thu gom, phân loại xử lý rác thải tại nguồn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao…
Hiệu quả từ một mô hình
Để giải quyết vấn đề môi trường, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách như: Chỉ thị 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 07-NQ/BCS của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nông thôn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020 - 2025 của UBND tỉnh; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Để đưa các chính sách trên vào cuộc sống, Ninh Bình đã chọn Yên Thái là một xã miền núi nằm ở phía Nam của huyện Yên Mô để thực hiện. Có diện tích đất tự nhiên 1.024,31 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 709,79 ha, Yên Thái có 1.850 hộ với dân số 5.563 người, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,03 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 còn 1,89%. Xã có 13 thôn, xóm.
Hiện toàn xã có 13 mô hình thu gom rác thải do các thôn, xóm đảm nhận; việc thu gom rác được thực hiện định kỳ 7 ngày/lần. Tuy nhiên, rác thải trong sản xuất, rác sinh hoạt phát sinh rất lớn, khoảng cách giữa các lần thu gom rác thải khá dài, lại không có các thùng chứa rác chung nên các hộ dân thường để rác tùy tiện ở lề đường, bên cạnh các cột điện, nơi ở, một số hộ dân còn mang rác vứt ra các đoạn đường vắng gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan nông thôn.
Ngân sách địa phương còn khó khăn nên kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường có phần hạn chế, không đủ điều kiện đầu tư để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác một cách có hiệu quả. Trên cơ sở khảo sát thực trạng vấn đề môi trường tại xã Yên Thái, căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, năm 2021, được sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng thành công dự ánmô hình điểm:“Hội Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”.
Mô hình được triển khai trong thời gian 6 tháng với mục đích nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, hội viên, hội viên nông dân xã Yên Thái về lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn thành phân bón cho cây trồng, từ đó giúp người dân thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Yên Mô, Hội Nông dân xã Yên Thái, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, lựa chọn các hộ nông dân nhiệt tình, trách nhiệm trên địa bàn xóm Dầu tham gia mô hình, trên cơ sở các hộ tự nguyện viết đơn, tổ chức họp dân đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan.
Trên cơ sở huy động các nguồn lực tại địa phương và nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai các nội dung của mô hình điểm trên địa bàn xóm Dầu, xã Yên Thái. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tập huấn kỹ thuật phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn các hộ đặt thùng ủ phân hữu cơ, các xô phân loại rác và dán tờ hướng dẫn kỹ thuật tại những vị trí phù hợp, thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, xử lý rác tại nguồn… Nhờ đó, người dân thực hiện thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tận dụng rác hữu cơ để xử lý thành phân bón cho cây trồng, giúp giảm đáng kể lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom vận chuyển trên địa bàn xóm Dầu để đi xử lý hàng tuần, giảm nhân công, chi phí trong thu gom rác thải.
Trong quá trình thực hiện phân loại rác thải tại hộ gia đình và ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh, các hộ nông dân rất tích cực, trách nhiệm, đã tạo ra được nguồn phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng để sử dụng cho cây trồng. Thông qua mô hình từng bước nâng cao ý thức của nông dân trong hoạt động tập thể, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, trách nhiệm, huy động sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, hội viên, nông dân.