Chính trị

Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW:Cải cách thể chế là biện pháp công bằng, khả thi nhất

Minh Trang thực hiện 12/05/2025 06:24

Ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng với tiêu đề “Động lực mới cho phát triển kinh tế”, trong đó khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính PHAN ĐỨC HIẾU nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết số 68-NQ/TW là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Cải cách thể chế, khẩn trương thể chế hóa đầy đủ các chủ trương nêu tại Nghị quyết như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất và khả thi nhất.

Dấu mốc giúp thay đổi về “chất” khu vực kinh tế tư nhân

- Ngày 04/5 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, ngày 11/5, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề “Động lực mới cho phát triển”. Với tư cách là một chuyên gia kinh tếĐBQH, ông đánh giá như thế nào về những thông điệp chiến lược nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW?

- Tôi cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 68-NQ/TW là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Các thông điệp nêu trong Nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay.

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu.
Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu. Ảnh: Hồ Long

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW ở thời điểm này, cá nhân tôi cho rằng, nếu triển khai thực hiện thắng lợi, thì đây có thể sẽ là “bước ngoặt”, là “đột phá thứ ba” trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Như chúng ta đã biết, mốc đột phá thứ nhất là giai đoạn 1988-1990, chúng ta chuyển từ quan điểm kinh tế tư nhân là thành phần cải tạo, nghĩa là không được thừa nhận, chuyển sang là được thừa nhận, và bắt đầu cho phép được hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhất định theo quy định của pháp luật. Mốc đột phá thứ hai là sự ra đời của Luật Doanh nghiệp (1999-2000). Đây là dấu mốc lớn, giúp thay đổi một bước nữa về quan điểm của Việt Nam đối với khu vực tư nhân.

Và với Nghị quyết 68-NQ/TW, chúng ta có thể kỳ vọng, đây là mốc đột phá thứ ba, nhưng sự đột phá lần này khác với hai lần đột phá trước.

- Cụ thể sự khác biệt này là gì, thưa ông?

- Theo tôi, đột phá thứ nhất là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân. Đột phá thứ hai là trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường. Nhưng nếu nhìn sâu vào Nghị quyết số 68-NQ/TW, có thể thấy, chúng ta đã tiến thêm một bước rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi “về chất” cho khu vực kinh tế tư nhân. Vì rằng, tất cả các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 68-NQ/TW cho thấy, ba nhóm mục tiêu mà Bộ Chính trị mong muốn là: tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường; tăng mức độ bảo vệ; và khơi thông nguồn lực.

Rõ ràng, so sánh trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta đã có hai dấu mốc, giai đoạn 1988 - 1990 và 1999 - 2000, nhưng lần này với ba mục tiêu cũng là ba cải cách nêu trên, đây sẽ là dấu mốc thứ ba giúp thay đổi chất lượng khu vực kinh tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu mục tiêu phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn 2030 - 2045.

“Thúc đẩy, tạo sự đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, bảo đảm nguyên tắc “nói đi đôi với làm” thống nhất trong toàn hệ thống chính trị”.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Thể chế phải đi trước thì mới có kết quả

- Trong Nghị quyết số 68-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định quan điểm "kịp thời xây dựng và hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển"; "đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân" là nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng, có bằng chứng và thực tiễn về vai trò, ý nghĩa, tác động, tầm quan trọng của cải cách thể chế đối với thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, nếu như cải cách thể chế tốt, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp, thì đây sẽ là “biện pháp cải cách rẻ nhất nhưng lại mang lại hiệu quả lớn nhất”. Mặt khác, cải cách thể chế cũng là biện pháp “dễ” nhất xét về lý thuyết, vì Nhà nước làm ra thể chế, thì Nhà nước tiến hành cải cách. Và, trong thực tế cải cách thể chế của nước ta đã cho thấy không phải có những hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực thì mới tạo ra sự đột phá mà chỉ khi cải cách mạnh mẽ về thể chế mới tạo ra đột phá.

Hai dấu mốc tôi vừa nêu ở trên (1988 - 1990 và 1999 - 2000), chúng ta cũng tiến hành cải cách thể chế. Đặc biệt, giai đoạn 1999 - 2000, khi Luật Doanh nghiệp ra đời đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, gia nhập thị trường, chuyển từ cấp phép sang đăng ký, rút ngắn hàng trăm ngày trong việc thành lập doanh nghiệp, bãi bỏ khoảng 150 - 160 giấy phép kinh doanh.

Và kết quả là gì? Chỉ sau 5 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, từ năm 2000 - 2005, số doanh nghiệp thành lập mới so với trước đó 10 năm đã tăng nhiều lần. Số lượng doanh nghiệp thành lập trong giai đoạn 2000 - 2005 chiếm 80% tổng số doanh nghiệp được thành lập từ năm 1990 đến năm 2005. Điều đó góp phần rất lớn trong việc tạo lập lực lượng doanh nghiệp hùng hậu như hiện nay.

Điều đó cho thấy rằng, cải cách thể chế sẽ là biện pháp hiệu quả nhất, công bằng nhất, tốn ít chi phí nhất, khả thi nhất.

Nhìn vào Nghị quyết số 68-NQ/TW, số lượng giải pháp về cải cách thể chế là chủ đạo. Tổng Bí thư Tô Lâm đã lưu ý rất rõ, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”; và nếu như chúng ta tập trung cải cách mạnh mẽ về thể chế thì tác động chắc chắn sẽ rất lớn.

Tôi cho rằng, thể chế phải đi trước thì mới có kết quả. Qua nghiên cứu Nghị quyết số 68-NQ/TW, tôi nhận thấy tinh thần của các nhóm giải pháp về cải cách thể chế không phải là "đơn giản hóa", hay chỉ "sửa đổi", mà thể hiện rất mạnh mẽ bằng các cụm từ, như "bãi bỏ", "cắt giảm"... Điều này tiếp tục được nhấn mạnh trong bài viết “Động lực mới cho phát triển” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nghĩa là chúng ta phải “cắt bỏ đi” - một quy định không tốt, thì không đơn giản chỉ là sửa đổi để tốt hơn một chút mà nếu quy định đó không tốt thì phải “bãi bỏ”. Đây là tinh thần rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước trên thế giới. Với tinh thần đó, thì không phải chỉ là “cắt giảm” thủ tục hành chính, mà nếu như luật nào, nghị định nào không còn cần thiết, thì phải “bãi bỏ” cả đạo luật, cả nghị định theo hướng tinh giản luật lệ.

Cùng với đó là câu chuyện thực thi pháp luật. Việc xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp, cần sử dụng những biện pháp phù hợp với tính chất của một vụ việc kinh tế. Nói cách khác, xử lý một vụ việc mang tính chất kinh tế, hành chính thì phải tách bạch với hình sự. Đồng thời, khi xử lý cũng phải tách bạch giữa tài sản, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết, đó là: “Thiết lập hệ thống bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, phân biệt rõ ràng giữa tranh chấp kinh tế và tội phạm hình sự, nghiêm cấm các hành vi lạm dụng pháp luật trong quản lý thị trường. Đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ dịch vụ thủ tục và chính sách cho kinh tế tư nhân, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và chính sách. Sửa đổi Bộ luật Hình sự, tách bạch rõ hành vi gian lận - trục lợi với sai sót hành chính thông thường”.

Rõ ràng, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, chúng ta đã có sự thay đổi tư duy quản lý nhà nước một cách căn bản, sử dụng những công cụ phù hợp cần thiết, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cơ chế quan trọng nhất đối với thị trường là duy trì trật tự cạnh tranh, xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi lạm dụng, chống độc quyền chứ không phải là ban hành quy định để yêu cầu doanh nghiệp “phải làm thế này, thế kia…”. Với Nghị quyết số 68-NQ/TW, rõ ràng chúng ta đã có sự thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, và không phải cứ bãi bỏ quy định là mất công cụ quản lý nhà nước; mà bây giờ chúng ta phải quản lý bằng cách hiệu quả nhất, không phải “quản lý bằng mọi giá”.

PV: Để Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng như Nghị quyết của Quốc hội và chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân sớm đi vào cuộc sống, theo ông đâu là "những việc cần làm ngay"?

- Theo kinh nghiệm của tôi, khi chúng ta đang có tinh thần mạnh mẽ, khẩn trương, quyết liệt, nếu tận dụng được tinh thần này càng sớm, phạm vi thể chế hóa càng rộng thì càng hiệu quả. Hiện nay chúng ta đã thực hiện nghị quyết nói chung, trong đó có Nghị quyết số 68-NQ/TW trên một nền tảng tư duy rất đổi mới, thì tất cả những biện pháp thực thi nếu như chúng ta có quyết tâm là làm được.

Chẳng hạn như việc rà soát để cắt bỏ các thủ tục hành chính, không phải chỉ là trách nhiệm của Bộ Tài chính mà tất cả các bộ, ngành cũng cần tập trung nguồn lực để thực hiện. Mong rằng, lần này cách thực thi nghị quyết cũng phải trên tinh thần đổi mới cả về tư duy, hành động, “nói đi đôi với làm”.

Chúng ta cũng cần lưu ý, Nghị quyết này không chỉ thực hiện một lần, mà đây là một nghị quyết cho lâu dài, đòi hỏi những bước đi căn cơ, lâu dài. Đúng như lưu ý của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết, đó là “ngay trong Kỳ họp thứ Chín này, Quốc hội sẽ thảo luận và ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả”. Đồng thời, “lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết 68 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, định kỳ hàng tháng rà soát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lúng túng, thực hiện theo cách riêng gây mất hiệu lực chính sách trung ương”.

- Xin cảm ơn ông!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW: Cải cách thể chế là biện pháp công bằng, khả thi nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO