Thực hiện miễn viện phí: Cần chiến lược bài bản và bền vững
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề nghị trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp để tiến tới thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân.
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có Thông báo số 176-TB/VPTW ngày 25/4/2025 về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng uỷ Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và định hướng công tác thời gian tới.
Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khoẻ định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Giao Đảng uỷ Bộ Y tế xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo.
Giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
Chủ trương có giá trị rất thiết thực, đáp ứng mong mỏi của người dân
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhìn nhận, miễn viện phí cho người dân, cùng miễn học phí cho học sinh là những chủ trương lớn, rất đúng đắn và thể hiện đúng tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Chính sách này đáp ứng mong mỏi của người dân, có giá trị rất thiết thực, đặc biệt là đối với người dân ở vùng có điều điều kiện khó khăn như nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,...
“Với người dân, vấn đề sức khỏe là quan trọng nhất và cũng là nỗi lo luôn hiện hữu. Từ nền tảng sức khỏe tốt mới có thể lao động, học tập để xây dựng gia đình cũng như cống hiến cho xã hội. Do vậy, khi được miễn viện phí sẽ tạo ra nguồn hỗ trợ rất tích cực cho người dân trong việc đảm bảo, nâng cao sức khỏe. Tôi tin rằng, mọi người dân đều hân hoan và mong chờ sớm được thụ hưởng chính sách đặc biệt nhân văn này”, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm chia sẻ.

Tuy nhiên, theo bà, để thực hiện được chủ trương rất lớn này đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương để đảm bảo tăng nguồn ngân sách Nhà nước, bởi chắc chắn để miễn viện phí cho toàn dân sẽ cần nguồn lực không nhỏ.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, việc tăng độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm y tế là một điều kiện cần thiết để tiến tới miễn viện phí cho nhân dân. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu và tăng cường truyền thông chính sách để tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Cần tính toán kỹ về lộ trình và cân đối về nguồn lực ngân sách
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Huế nhìn nhận, với tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu đất nước là Tổng Bí thư Tô Lâm, các chủ trương lớn được đưa ra trong những năm gần đây, đặc biệt là những chính sách được chỉ đạo trong năm nay đã thể hiện tính đột phá, sự nỗ lực, quyết tâm đồng bộ của cả hệ thống chính trị về phát triển kinh tế, tạo tiến bộ xã hội, giúp đất nước tăng trưởng một cách đồng bộ và toàn diện.
Cùng với chính sách miễn giảm học phí, chúng ta đang tiến tới miễn giảm viện phí cho các đối tượng chính sách, ưu tiên, người nghèo, người lớn tuổi và tiến tới miễn viện phí cho toàn dân trong tương lai. Đó cũng là điều các Đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng.

“Chúng tôi cũng đã lắng nghe rất nhiều cử tri chia sẻ rằng họ mong đợi việc được miễn giảm học phí và miễn giảm viện phí. Yếu tố sức khoẻ, hoàn thiện nhân cách con người đều là những yếu tố rất cơ bản để phát triển con người, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, nếu chính sách miễn viện phí được triển khai sẽ là một minh chứng rõ nét cho thấy đất nước chúng ta phát triển ổn định bền vững, an sinh xã hội được quan tâm một cách toàn diện đồng bộ”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, từ thực tiễn ở các địa phương, để chính sách miễn viện phí được triển khai trong thời gian tới, việc cân đối nguồn lực là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng cùng những chiến lược bài bản và bền vững. Cần tính toán kỹ về lộ trình và cân đối về nguồn lực ngân sách.
Ở những địa phương còn nhiều khó khăn, không thể tự cân đối nguồn lực của mình vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Do đó, bắt buộc chúng ta phải tính toán, cân đối lại nguồn lực cho đảm bảo.
Đây cũng là trách nhiệm không nhỏ đối với các lãnh đạo đất nước cũng như những lãnh đạo địa phương, làm sao để có sự tính toán phù hợp, xây dựng kế hoạch và lộ trình tài chính, chính sách về tài khoá, chính sách tiền tệ,… Mọi thứ đều rất quan trọng cho việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết tiến bộ xã hội, cũng như đảm bảo chính sách miễn viện phí có thể được triển khai hiệu quả.
“Do đó, cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa trách nhiệm cân đối ngân sách của trung ương cũng như với các địa phương để làm sao mọi người dân không ai bị bỏ lại phía sau”, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nếu chính sách miễn viện phí được triển khai sẽ tạo nên một chế độ an sinh đặc biệt, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, hiện Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân. Thống kê mới nhất vào cuối năm 2024 cho thấy, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm đã chiếm trên 94%. Hệ thống bảo hiểm y tế hiện nay đã có sự phân cấp với các mức hỗ trợ khác nhau, trong đó trẻ em dưới 6 tuổi và hộ nghèo được hưởng chế độ miễn phí 100%.
Bên cạnh đó còn có mức miễn viện phí 80% và mức cao nhất là 90%. Đây là nền tảng quan trọng để từng bước hướng tới chính sách miễn viện phí toàn dân, giảm gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

“Có thể khẳng định, việc miễn viện phí không chỉ mang đến lợi ích cho cá nhân hay hộ gia đình, mà là lợi ích to lớn chung của toàn xã hội. Bởi một quốc gia muốn phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu cần có những người dân khỏe mạnh và hạnh phúc”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Bà cũng cho rằng, để tiến tới miễn viện phí toàn dân cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chi tiết. Bởi triển khai chính sách không chỉ đơn thuần là củng cố hay chuẩn bị ngân sách, mà còn cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Đầu tiên, cần có chiến lược củng cố hệ thống y tế cơ sở, tránh dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Khi các bệnh viện quá tải, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân sẽ bị trì trệ và sụt giảm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, để hệ thống y tế cơ sở được củng cố, phải quan tâm đến hai yếu tố chính: đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân tại địa phương; giải quyết “bài toán’ thiếu nhân lực ngành y tế và nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức của đội ngũ bác sĩ. Làm tốt hai việc này, chất lượng dịch vụ ngành y sẽ được đảm bảo.
Mặt khác, bà cũng kiến nghị về sự cần thiết của việc củng cố và phát triển y tế dự phòng, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về lối sống lành mạnh. Hiện nay, phần lớn người dân Việt Nam đang quan tâm đến điều trị bệnh hơn là phòng bệnh, tạo cơ hội để các bệnh không lây nhiễm do lối sống không lành mạnh xâm nhập. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, kết hợp các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, sẽ giảm áp lực lên hệ thống y tế và cải thiện sức khỏe toàn dân.
“Thực hiện miễn viện phí cho toàn dân, chắc chắn ngân sách Nhà nước sẽ gánh một khoản chi phí không nhỏ. Do đó, các giải pháp từ vĩ mô đến vi mô để phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Khi kinh tế được thúc đẩy tăng trưởng sẽ tạo nguồn lực đủ mạnh, giúp duy trì bền vững chính sách miễn viện phí”, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.