Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII trong năm 2022

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 05:22 - Chia sẻ
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Đại dịch Covid-19 chắc chắn vẫn là khó khăn, cản trở lớn. Nhưng Hà Nội cũng như cả nước đã xác định sống chung với Covid-19.

Thực hiện khẩn trương, hiệu quả

Năm 2021, kinh tế Thủ đô có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra, chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền một số địa phương cần tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt cần phải nhanh chóng xử lý vấn đề trong triển khai các dự án đầu tư, thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố, công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.

Năm 2022 Hà Nội tiếp tục phấn đấu thực hiện xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao
Ảnh: Vũ Minh Đức

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, mục tiêu của Thành ủy Hà Nội trong năm mới 2022 là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp; nhất là hiện thực hóa 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 10 chương trình công tác toàn khóa, cũng như 2 nghị quyết chuyên đề và các nghị quyết, chỉ thị quan trọng khác. Tất cả nhằm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao.

Thành phố sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó, với chủ đề công tác tiếp nối của năm 2021 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, trong năm 2022, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hoàn thành đạt và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5% so với năm 2021.

Phát triển Thủ đô năm 2022 gắn với phòng, chống dịch hiệu quả

Việc ghi nhận những trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố đã cho thấy việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2022 của Thủ đô phải gắn chặt với công tác phòng, chống dịch Covid-19; trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế cơ sở.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, năm 2022 thành phố Hà Nội sẽ triển khai các biện pháp, giải pháp phục hồi kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ thương mại, du lịch, các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay đầu năm. Trong năm 2022, tiến độ triển khai đối với các chủ trương lớn có thể kể đến như: Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)...

Trong đó, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển Hà Nội, thúc đẩy phát triển liên vùng; khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế... Đặc biệt, là nơi có tiềm năng rất to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là từ vị trí, vai trò trung tâm văn hóa lớn của cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc với hệ thống hơn 5.900 di tích, thành phố sẽ quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa... để tạo nguồn lực mới kích thích phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế du lịch.

Văn Anh