Thực hiện đúng tinh thần Đổi mới
Trong căn phòng làm việc giản dị tại Nhà Quốc hội, khi cuốn lịch của năm 2016 đã ở những tờ cuối cùng, bên ấm trà nóng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH PHÙNG QUỐC HIỂN đã dành cho Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở xoay quanh chủ đề nhìn lại 30 năm công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện. Ông nói rằng, khi đứng giữa Đổi mới hay là khủng hoảng, Đảng ta đã lựa chọn Đổi mới. Và đây là cuộc cách mạng lớn lao về tư duy, nhận thức, sánh ngang với cuộc kháng chiến 30 năm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đó.
Cuộc cách mạng lớn lao về tư duy, nhận thức
- Thưa Phó Chủ tịch, năm 2016 là tròn 30 năm Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc Đổi mới. Nhìn lại chặng đường gian khổ và đầy tự hào đã qua, điều gì là ấn tượng nhất với Phó Chủ tịch?
- Thế hệ chúng tôi là những người trải qua thời kỳ đất nước ta ở vào giai đoạn kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, chứng kiến Đại hội VI của Đảng năm 1986. Đại hội diễn ra vào tháng 12.1986, cũng vào mùa đông, năm nay ta kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, nghĩ lại chúng ta ví mùa đông năm 1986 như thời khắc lịch sử của mùa đông năm 1946 - thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến cách đây 70 năm. Vì lúc đó nền kinh tế của chúng ta vô cùng kiệt quệ, vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, kéo dài 30 năm. Đất nước tan hoang. Không một thành phố, thị xã nào nguyên vẹn. Các nước cắt hầu hết các khoản viện trợ. Chưa hết, chúng ta lại tiếp tục đối mặt với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, ở phía Bắc và phía Nam... Lúc đó có thể nói là không còn gì khó khăn hơn nữa. Cho nên, quyết định Đổi mới của Đảng ta thông qua tại Đại hội VI khi ấy thực sự là luồng gió mới, tạo điều kiện để giải phóng sức sản xuất, thay đổi tư duy, chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, sản xuất hàng hóa.
![]() Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới |
Ảnh: Trí Dũng |
![]() |
Ảnh: Trung Thành |
Về nguyên lý, thường là vật chất quyết định ý thức, tinh thần, nhưng có thời điểm ý thức, tinh thần quyết định vật chất. Điều này đã được chứng minh bằng những thành quả, kinh nghiệm chúng ta đã đạt được. Khi đất nước đang còn chìm trong khói lửa chiến tranh, hay sau này là thời kỳ bao cấp, chúng ta cơm chưa no, áo chưa ấm, nhưng lúc đó lý tưởng, ý chí của chúng ta như “thép đã tôi”, cũng có phần lãng mạn, biến ước mơ thành hành động và chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển |
- Chuyển đổi mô hình kinh tế, thoạt nghe tưởng chừng như một tất yếu khách quan, hợp quy luật phát triển. Nhưng trong bối cảnh đất nước khi ấy, chắc chắn không phải là câu chuyện dễ dàng. Thậm chí có ý kiến cho rằng, đó là cuộc cách mạng…, thưa Phó Chủ tịch?
- Cần nhớ rằng, trước khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, nền kinh tế của chúng ta chỉ có quốc doanh và hợp tác xã thôi, kinh tế tiểu thương, tiểu chủ thì vô cùng nhỏ bé, một nền kinh tế tự cung, tự cấp. Cùng với đó là việc áp dụng cơ chế giá - lương - tiền đã đẩy lạm phát đến con số trên 700%. Lúc đó, gần như đồng tiền không có giá trị gì cả, thay vì trữ tiền, người dân trữ hàng tiêu dùng. Trong mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, tất cả đều “quy” ra hàng hết. Người dân bán gạo, lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, đổi lại Nhà nước bán cho dân vải vóc, hàng tiêu dùng… Nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng. Và “làn gió mới” của công cuộc Đổi mới mà Đại hội VI đề ra đã mở ra cơ hội để chúng ta cải cách lại toàn bộ thể chế.
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, với tinh thần cần cù, sáng tạo, chúng ta đã tạo ra cuộc cách mạng mang ý nghĩa lịch sử, và có thể nói là sánh ngang với cuộc kháng chiến 30 năm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đó. Vì rằng, dựng nước đã khó, nhưng giữ nước, phát triển kinh tế còn khó hơn. Chúng ta phải chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế thời chiến sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, từ tư duy của những người lính cầm súng chiến đấu sang thời bình, phải tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng lại đất nước - đó là cuộc cách mạng lớn lao về tư duy, nhận thức.
- Trong vô vàn khó khăn, thử thách như vậy, tư duy bảo thủ còn nặng nề, thì đâu là điều làm cho chủ trương Đổi mới của Đảng có thể đi vào cuộc sống, thưa Phó Chủ tịch?
- Năm 1986 là dấu mốc của Đổi mới, nhưng trước đó, đổi mới đã manh nha từ lĩnh vực nông nghiệp, với khoán 10, khoán 100, sau đó là đổi mới trong lĩnh vực công - thương nghiệp, mà TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… là những địa phương đi đầu. Tuy nhiên, để đường lối Đổi mới có thể đi vào cuộc sống, trước hết phải giải phóng được tư duy của đội ngũ cán bộ, những người tổ chức thực hiện đường lối Đổi mới, và từ sự ủng hộ của người dân.
Yêu cầu đặt ra khi ấy là đội ngũ cán bộ của chúng ta cần được trang bị lại, từ tư duy đến kiến thức, để có thể chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Ví dụ đơn giản nhất là chế độ tài chính doanh nghiệp, thời bấy giờ, chúng tôi được đào tạo là đồng tiền nào thì chỉ dùng cho việc ấy, như giai thoại đồng tiền nào là mua tương thì chỉ mua tương, đồng nào để mua muối thì nhất định chỉ để mua muối, không được lẫn lộn. Cho nên, chế độ kế toán cũng thế, cũng là vốn của doanh nghiệp thôi nhưng đủ các loại tài khoản ghi chép. Đó là thực tiễn. Khi tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta đã phải thay đổi tư duy từ những việc cụ thể như vậy.
Và nhắc đến công cuộc Đổi mới năm 1986, không thể không nhắc đến sự kiện Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Tuy nhiên, Đảng ta đã rất vững vàng, khẳng định vai trò, vị thế, bản lĩnh của một Đảng Mác-xít Lê-nin-nít chân chính với dấu mốc là sự ra đời của Cương lĩnh năm 1991, xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đã soi sáng tất cả, làm tiền đề để chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm qua.
- Trong những nỗ lực và kết quả vượt bậc đạt được, theo Phó Chủ tịch, đâu là thành tựu nổi bật nhất?
- Khi đứng giữa Đổi mới hay là khủng hoảng, Đảng ta đã lựa chọn Đổi mới. Dưới ánh sáng của đường lối đúng đắn ấy, 30 năm qua, chúng ta đã xây dựng một nước Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,6%/năm. Đơn cử, so với năm 1988, hiện quy mô nền kinh tế đất nước đã tăng gấp 25 lần, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người chưa đầy 100 USD thì bây giờ đã là 2.109 USD - một nỗ lực vượt bậc…
Tuy nhiên, thực tiễn công cuộc Đổi mới vừa qua cũng cho thấy, chúng ta không bao giờ được thỏa mãn với những kết quả, thành tựu đã có. Hiện nay, thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những yêu cầu, đòi hỏi mới. Nếu chúng ta tiếp tục tư duy cũ, phát triển dựa vào vốn, nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ… như hiện nay sẽ là không hợp lý. Chúng ta tiếp tục trải “thảm đỏ” đón các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không thể cứ “trăm hoa đua nở” như vừa qua, mà đòi hỏi phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn. Chúng ta cũng phải thay đổi từ giai đoạn chủ yếu sử dụng vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ… sang thời kỳ sử dụng vốn, tài nguyên một cách tiết kiệm, có hiệu quả, đồng thời với chú trọng chất lượng lao động, bảo đảm có đủ trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hài hòa với môi trường. Và không chỉ đáp ứng các nhu cầu về kinh tế, mà phải chuyển từ chỗ “ăn no, mặc ấm” sang “ăn ngon, mặc đẹp”, thụ hưởng các giá trị của đời sống văn hóa, tinh thần… Đương nhiên, đây là những vấn đề đòi hỏi phải có thời gian.
Thua hiệp đầu để thắng những hiệp sau
- Tiếp tục đổi mới để không bị tụt lại phía sau là đòi hỏi tất yếu, khách quan của quá trình phát triển đi lên. Và quá trình ấy, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, thì cũng đã cho thấy không ít khó khăn, thử thách. Hãy bắt đầu từ câu chuyện về đổi mới mô hình tăng trưởng có lẽ sẽ cho thấy rõ hơn khó khăn, thử thách mà nước ta đang phải đối mặt, thưa Phó Chủ tịch?
- Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng đã được “khởi động” từ Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên, thực tế 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng cho thấy, việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa đạt yêu cầu, còn chậm và chưa đồng bộ. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, tại Đại hội XII, Đảng ta xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng… Gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 4 (Khóa XII) Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và ra Nghị quyết về những nội dung này. Đó là “Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Tôi cho rằng, đây cũng là quá trình thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm. Giai đoạn phát triển nào, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng có những khó khăn, thách thức lớn phải tập trung khắc phục để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thách thức ở đây chính là sự giằng co giữa cách làm cũ và cách làm mới, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa lợi ích nhóm và lợi ích chung… Ví dụ, với vấn đề lao động, chúng ta mong muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nền sản xuất hàng hóa, có năng suất lao động cao, nhưng rõ ràng đội ngũ của chúng ta hiện mới có 21% lao động qua đào tạo. Trong bối cảnh nước ta đã tham gia vào 12 hiệp định thương mại tự do và với thực trạng lao động và sức cạnh tranh còn thấp như vậy, thì hệ quả trong một số năm trước mắt, một số sản phẩm và lĩnh vực có thể là thua ngay trên sân nhà nhưng thua những hiệp đầu, chúng ta sẽ thắng trong các hiệp sau...
- Với những thành tựu và bài học kinh nghiệm đạt được qua 30 năm Đổi mới, Phó Chủ tịch dự cảm như thế nào về việc thực hiện mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới” mà Đại hội XII của Đảng đã thông qua?
- Hôm nay, chúng ta ngồi đây nhìn lại quá trình 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới được Đảng ta thông qua tại Đại hội VI. Thành tựu đạt được là to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Việc chúng ta kiên quyết, kiên trì thực hiện đúng tinh thần Đổi mới và những chủ trương, quyết sách quan trọng, có giá trị định hướng được Đại hội XII của Đảng thông qua cũng như các nghị quyết quan trọng khác của Trung ương, tin rằng, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương về tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh cũng như quy mô nền kinh tế - điều mà qua 30 năm Đổi mới chúng ta đã làm được.
Đương nhiên, tốc độ tăng trưởng và quy mô nền kinh tế phải đi đôi với việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết, hạn chế, yếu kém đã chỉ ra, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!
PV: Vậy thì, chúng ta cần làm gì để đạt được mục tiêu “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới”, thưa Phó Chủ tịch? Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển: Tôi cho rằng, phải lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với tinh thần chủ động, tích cực, không ngồi đợi để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Một trong những vấn đề phải tập trung giải quyết đầu tiên chính là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đây là vấn đề vừa trước mắt, cấp bách, vừa lâu dài. Nếu không chấn hưng nền giáo dục, chúng ta sẽ khó có thể thành công. Trước tiên phải có nền giáo dục tốt thì mới phát triển được nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phải có nguồn lực lao động có tay nghề - đây chính là nguồn tài nguyên vô hạn. Trong giáo dục cần tập trung xây dựng con người về đạo đức, văn hóa, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc. Trước đây, trong giai đoạn chiến tranh, chính vì có nền giáo dục tốt nên trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng chúng ta đã chiến đấu và chiến thắng được những kẻ thù được đánh giá là văn minh hơn, có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta gấp nhiều lần. Nếu đơn thuần đọ về súng đạn, về kinh tế thì giai đoạn ấy làm sao chúng ta bằng được. Chính là vì chúng ta có văn hóa, có nhân cách, khí phách của con người và dân tộc Việt Nam, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Cho nên, tăng trưởng kinh tế là điều đáng mừng, nhưng đi cùng với đó phải là văn hóa, tinh thần, phát triển bền vững. Muốn vậy, phải giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Muốn phát triển kinh tế bền vững, phải có nền giáo dục tốt, xây dựng được những con người có văn hóa, đạo đức, nhân cách, trí tuệ. Như các nhà cách mạng tiền bối đã nói: Muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Và con người xã hội chủ nghĩa là mình vì mọi người, mọi người vì mình, người với người sống để yêu nhau. |