Sử dụng tùy tiện, không xin phép tác giả
Thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho thấy, chỉ tính mấy năm gần đây, số lượng vụ việc xâm phạm quyền tác giả ở các chương trình biểu diễn quy mô lớn là 132 chương trình, chưa kể rất nhiều chương trình quy mô nhỏ hơn hoặc Trung tâm chưa thể phát hiện và thống kê. Mặc dù Trung tâm đã gửi cảnh báo, gửi đề nghị đến các đơn vị tổ chức biểu diễn, nhưng hầu hết các đơn vị vẫn tìm cách né tránh thực hiện quy định về quyền tác giả, dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tác giả bị xâm phạm và không được tôn trọng, gây bức xúc ở các tác giả sáng tác âm nhạc.
Đại diện một số công ty tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho biết, mặc dù được coi là thỏa thuận dân sự, song các bên thường không ngồi lại được với nhau để đưa ra giá tác quyền phù hợp. Trong khi đó, để có một tiết mục biểu diễn trên sân khấu, không chỉ có bản quyền của nhạc sĩ, mà còn có biên đạo, hòa âm, phối khí… Vì thế, nên có mức giá tác quyền hợp lý, nếu quá cao, sẽ gây khó khăn cho đơn vị tổ chức.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốcVCPMC cho biết, vấn đề đang nổi lên trong lĩnh vực quyền tác giả âm nhạc là việc sử dụng tác phẩm một cách tùy tiện, không xin phép tác giả. “Tại sao sử dụng mà không xin phép tác giả, trong khi đây là tài sản của cá nhân nhạc sĩ? Nếu không có tác phẩm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều bị giải tán, vì chỉ là ăn theo. Tác phẩm là tài sản của cá nhân nhạc sĩ, vì thế pháp luật phải giúp họ bảo vệ bản quyền” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói.
Thực tế, Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định, các quyền tài sản “do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả “phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”; việc trả tiền nhuận bút, thù lao do các tổ chức, cá nhân thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả nhưng trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc: Phải xin phép trước mới được sử dụng. Vậy nhưng, thời gian qua, tình trạng vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều tổ chức, cá nhân biểu hiện thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả theo quy định, vì lợi nhuận mà sẵn sàng ứng xử thiếu trách nhiệm.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, việc thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan còn thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế, khi chúng ta đã là thành viên của Công ước Berne, Hiệp định Trip… hay một loạt hiệp định thương mại tự do. Chúng ta không chỉ bảo vệ quyền tác giả của các nhạc sĩ Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn của các nhạc sĩ quốc tế có tác phẩm vang lên trên đất Việt Nam, cũng như tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam được sử dụng ở nước ngoài.
Cần tôn trọng “loại tài sản đặc biệt”
Thực trạng vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan ở nhiều lĩnh vực nói chung, hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói riêng, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả. Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tác giả sáng tạo âm nhạc. Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo Nghị định khiến nhiều người băn khoăn.
Khoản 3, Điều 9, dự thảo Nghị định, mặc dù hồ sơ đăng ký hoạt động biểu diễn nghệ thuật có đầy đủ yêu cầu các văn bản, giấy tờ liên quan, thậm chí yêu cầu “kèm theo danh mục thông tin về các thành phần sáng tạo được bảo hộ theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan”, nhưng không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào, để chứng minh đã có sự cho phép hoặc thỏa thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để biểu diễn nghệ thuật. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, “điều này hoàn toàn không hợp lý, thiếu công bằng đối với những người sáng tạo, đòi hỏi sự tôn trọng trong ứng xử đối với loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ, mà cụ thể ở đây là tác phẩm âm nhạc vốn được coi là đứa con tinh thần của nhạc sĩ”.
Ngay trong dự thảo Nghị định, ở Chương III về thi người đẹp, người mẫu, Khoản 4, Điều 15, hồ sơ buộc phải có bản sao có chứng thực văn bản chứng minh quyền tác giả hoặc quyền sở hữu nhãn hiệu đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế; Chương IV về lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật, Điều 22 quy định bản ghi âm, ghi hình phải có đầy đủ các thông tin liên quan đến các thành phần sáng tạo được bảo hộ theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan...
Thực tế cho thấy, dù áp dụng các biện pháp để bảo vệ tác quyền theo quy định của pháp luật, thì với thực trạng vi phạm về quyền tác giả hiện nay, rất khó để ngăn ngừa hành vi xâm phạm, khó tác động kịp thời đến nhận thức, ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc. Trường hợp vụ việc nếu được giải quyết xong và bên vi phạm đã bồi thường thiệt hại, thì quyền tác giả cũng đã bị xâm phạm, hậu quả đã xảy ra. Vì thế, VCPMC kiến nghị, việc thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả phải được xem là điều kiện cần thiết, bắt buộc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động biểu diễn nghệ thuật, phù hợp với quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để từ đó dần dần trở thành thói quen với mọi người.