Góp ý dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng:

Thực hiện 3 đột phá chiến lược ở tầng cao và chất lượng hơn

- Thứ Bảy, 14/11/2020, 06:05 - Chia sẻ
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược đã đề ra từ Đại hội XI của Đảng theo thứ tự: thể chế; nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, ĐBQH, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, 3 đột phá chiến lược này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Điều này không phủ nhận những kết quả đã đạt được mà đòi hỏi phải tiếp tục thúc đẩy thực hiện ở tầng cao hơn, chất lượng hơn...

Tái cơ cấu nông nghiệp phải là cuộc cách mạng thực sự

- Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII được đánh giá là đã cập nhật rất nhanh và rất sát tình hình thực tế, đặc biệt là những tác động của đại dịch Covid-19. Có những nội dung nào đã được cập nhật, thưa ông?

- Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII được công bố để Nhân dân góp ý kiến lần này đã cập nhật so với bản dự thảo trình Hội nghị Trung ương cuối tháng 4 đầu tháng 5.2020 với rất nhiều điểm mới, bám sát tình hình thực tế của đất nước. Trong đó, trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, chúng tôi đã đề xuất và được Trung ương chấp nhận tách Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 thành Kế hoạch 2016 - 2019 và năm 2020. Trong đánh giá 10 năm 2010 - 2020, Dự thảo Văn kiện cũng đánh giá thành 2 giai đoạn 2010 - 2019 và 2020. Tách ra như vậy không phải là vì chúng ta sợ đánh giá cả giai đoạn 2015 - 2020 thì số liệu, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị tụt đi, mà là bởi tình huống của năm 2020 khác hoàn toàn so với các năm còn lại trong kế hoạch 5 năm, 10 năm, nó không có tính quy luật của các năm mà là bất quy luật.

Có lẽ đây là kỳ làm Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng có sự thay đổi nhanh chóng như vậy, sau Dự thảo Văn kiện trình Đại hội VI sửa lại trong vòng 6 tháng thì đây là kỳ làm văn kiện mà từ lúc bắt tay vào soạn thảo đến khi trình Bộ Chính trị, Trung ương là tình hình đã khác hẳn.

"Đây đó có người nói tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua chưa đạt yêu cầu. Nói như vậy thì lúc nào cũng đúng. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, thực lực của chúng ta có cho phép chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh được hay không? Xã hội có chấp nhận chúng ta chuyển đổi một cách ồ ạt hay không? Tư duy, nhận thức về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là cả một quá trình. Nếu chuyển đổi theo liệu pháp sốc e rằng sẽ còn nhiều khó khăn hơn".

TS Nguyễn Đức Kiên

- Diễn biến bất quy luật của năm 2020 đã tác động như thế nào đến những đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội trong Dự thảo Văn kiện, thưa ông?

- Với 4 năm đầu thực hiện kế hoạch 2016 - 2020, chúng ta đã xử lý cơ bản nợ công, đưa nợ công từ 63,8% xuống còn 54%, tức là trong vòng 4 năm chúng ta đã giảm nợ công được gần 10% GDP. Chúng ta cũng đưa được bội chi ngân sách xuống còn 3 - 3,5%. Những con số này cho thấy thành tựu về kinh tế - xã hội mà chúng ta đạt được trong giai đoạn vừa qua là rất lớn. Chính vì vậy nên khi gặp khó khăn bởi đại dịch Covid - 19, nền kinh tế vẫn trụ lại được ở mức tăng trưởng dương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội trong giai đoạn này cũng rất đúng hướng và thu được kết quả tích cực.

Riêng năm 2020 với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận thức tương đối sát thực tế hơn và có tính chất lý luận hơn về cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ trong nền kinh tế. Hiện nay, nông nghiệp mới chỉ đóng 14 - 15% tỷ trọng trong GDP, nhưng qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2009 trước đây và đại dịch Covid-19 lần này đã một lần nữa khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp trong việc giữ cho nền kinh tế và xã hội chúng ta sự ổn định tương đối. Đó chính là cơ sở lý luận để chúng ta quay trở lại vấn đề tái cơ cấu trong nông nghiệp như thế nào?

Phải xác định tái cơ cấu nông nghiệp là một cuộc cách mạng thực sự. Và như vậy, chúng ta phải trả lời được những câu hỏi vừa vĩ mô vừa hết sức cụ thể như: Việt Nam có cần trở thành vựa lúa cho cả thế giới không? Hay chúng ta phải là nơi sản xuất nông nghiệp bền vững? Đầu tiên là bền vững để cho chính đất nước ta, cho người dân của chúng ta, rồi mới đến xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới.

Khi trả lời rõ ràng câu hỏi này rồi thì chúng ta sẽ trả lời được một câu hỏi rất cụ thể là: Việt Nam có cần làm lúa 3 vụ một năm không, hay chỉ cần làm 2 vụ và tập trung nâng cao chất lượng lúa, phát triển các giống lúa như ST25 để người Việt được thụ hưởng loại gạo ngon nhất thế giới, để cánh đồng lúa phải trồng được nhiều loại ngon nhất thế giới thay vì sản lượng xuất khẩu nhiều nhất thế giới? Và từ đây, quay trở lại với vấn đề đã đặt ra rất nhiều năm nay nhưng không trả lời được là: Có mở đê bao cho nước vào ruộng ở đồng bằng  sông Cửu Long không? Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi này sẽ đẩy đồng bằng sông Cửu Long vào tình trạng bị "già hóa" trong 50 năm tới. Đó là cơ sở để trả lời nhiều câu hỏi khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói chúng ta phải "sống chung với lũ". Bây giờ, phát triển là sống hài hòa với thiên nhiên. Nếu đã xác định sống hài hòa với thiên nhiên thì các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… chỉ có thể giảm thiểu tác động chứ không thể ngăn được. Chúng ta phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long và chuyển đổi cơ cấu kinh tế biển phù hợp với xu thế khí hậu toàn cầu nóng lên, nước biển dâng.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII đã đề cập đến những vấn đề này, cập nhật rất nhanh, rất sát với thực tế và thể hiện rõ quan điểm, định hướng của Đảng.

Nhà nước tạo cơ chế để thị trường quyết định đầu tư

- Dự thảo Văn kiện xác định tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược. Ông có bình luận gì về điều này?

- Dự thảo Văn kiện lần này xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược đã đề ra từ Đại hội XI của Đảng theo thứ tự: thứ nhất là đột phá về thể chế; thứ hai là đột phá về nguồn nhân lực và thứ ba là đột phá về kết cấu hạ tầng. Thực tế cho thấy, việc thực hiện 3 đột phá chiến lược này vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, dù chúng ta đã có gần 10 năm triển khai thực hiện. Điều này không phủ nhận những kết quả mà chúng ta đã đạt được gần 10 năm qua mà đòi hỏi phải tiếp tục thúc đẩy ở tầng nấc cao hơn, chất lượng hơn; những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra phải khắc phục quyết liệt hơn.

Ví dụ, với đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thực tế là trong 5 năm, chúng ta gần như không triển khai được dự án kết cấu hạ tầng mới nào, từ nhà máy điện, đường giao thông đến công trình thủy lợi, xả lũ, bến cảng… Vấn đề không phải đất nước không có tiền, nhưng vẫn không làm được, trong khi đòi hỏi về kết cấu hạ tầng vô cùng lớn và cấp thiết.

Chính vì thế, chúng ta phải đưa lại đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII nhưng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên. Một là, đẩy nhanh phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

- Có 21 ngành và lĩnh vực ưu tiên được xác định trong Dự thảo Văn kiện. Như thế có quá nhiều không, theo ông?

- Cũng có ý kiến cho là nhiều nhưng cá nhân tôi cho rằng, việc đưa ra tới 21 ngành, lĩnh vực đột phá, ưu tiên là bởi giữa mong muốn, đòi hỏi phát triển của đất nước và nguồn lực thực tế của chúng ta vẫn còn khoảng cách. Tuy nhiên, một điểm rất quan trọng của Dự thảo Văn kiện lần này là, Nhà nước đưa ra định hướng các ngành, lĩnh vực đột phá, ưu tiên, nhưng không quyết định đầu tư mà tạo cơ chế để thị trường quyết định đầu tư. Tức là, chúng ta đưa ra tiêu chí của các ngành, lĩnh vực đột phá là: Phải có thị trường; phải thu hút được vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; hàm lượng công nghệ phải cao và phải giải quyết được việc làm, bảo vệ hài hòa môi trường. Như vậy, ngành, lĩnh vực nào đáp ứng được 5 nhóm tiêu chí này sẽ được chọn ưu tiên. Ví dụ, năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên nhưng tinh thần của Dự thảo Văn kiện là: Nhà nước không ưu tiên phát triển nhà máy điện năng lượng tái tạo riêng mà ưu tiên xây dựng nhà máy kèm với công nghiệp sản xuất vật liệu năng lượng tái tạo. Như vậy, chúng ta đã rút kinh nghiệm so với các lần trước.

- Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng sau gần 35 năm đổi mới và đang hướng đến tầm nhìn xa dài hơn 100 năm thành lập nước, theo ông có gì khác so với giai đoạn trước?

- Kể từ khi có Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đến nay thì Đảng ta đã định hướng rõ: Chủ nghĩa xã hội mà chúng ta hướng tới là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đạt được đầy đủ các mục tiêu này thì đó chính là chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta tôn trọng đầy đủ các quy luật của nền kinh tế thị trường hiện đại. Điểm mới mà chúng ta khẳng định là quy luật của nền kinh tế thị trường hiện đại chứ không phải là dùng quy luật của thời kỳ tích lũy tiền tư bản cuối thế kỷ XVIII, tức là phải lồng vào kinh tế thị trường các vấn đề về xã hội, bảo vệ môi trường và phân phối lại. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường nhưng phần phân phối thì theo quan điểm của Nhà nước pháp quyền. Dân giàu, nước mạnh chính là theo quy luật thị trường, còn dân chủ, công bằng, văn minh chính là theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

Lần này, chúng ta đặt mục tiêu trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN và xác định rõ 12 định hướng phát triển đất nước 10 năm tới, trong đó, đã phát triển mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” thành mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; bổ sung mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”.

Dự thảo Văn kiện cũng nhấn mạnh quan điểm, trong nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng XHCN; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữ vững độc lập, tự chủ và phát triển quyền làm chủ của Nhân dân. Đó chính là XHCN mà chúng ta hướng đến.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình thực hiện