Thúc giục từ diễn đàn cơ quan thường trực của QH

Yên Khánh 10/08/2009 00:00

Ai là người chất vấn?Đó là câu hỏi xuất hiện từ hơn một năm trước, khi UBTVQH tổ chức thí điểm chất vấn và trả lời chất vấn. Cho đến hôm nay, nếu tính cả Phiên họp thứ Hai hai- cơ quan thường trực của QH tiến hành có 4 phiên chất vấn và trả lời chất vấn - hẳn nhiều người đã quên câu hỏi đầy nghi ngại trên.

Cần rạch ròi: tổ chức chất vấn tại UBTVQH chứ không phải UBTVQH chất vấn các thành viên Chính phủ. Điều đó có nghĩa là Phiên họp UBTVQH trở thành diễn đàn, mà ở đó, nếu nhìn ở cả góc độ pháp lý và thực tiễn thì tất cả các ĐBQH đều có quyền chất vấn.

Ba phiên chất vấn đã qua cho thấy: số ĐBQH tham gia chất vấn tại UBTVQH không đông nhưng là lực lượng mạnh, lực lượng chuyên nghiệp của cơ quan dân cử trung ương. Mạnh là bởi, chính tại diễn đàn của cơ quan thường trực QH, các chính khách dân cử chuyên nghiệp thực sự xung trận. Các chính khách chuyên nghiệp là các Ủy viên UBTVQH; các ĐBQH là thường trực HĐDT, các UB của QH và các ĐBQH chuyên trách ở địa phương. Có thể thấy ngay điều này trong một phiên chất vấn: từ vị trí cao nhất, điều hành phiên chất vấn, người đứng đầu cơ quan lập pháp mở đầu bằng một câu hỏi giản dị và bản chất dành cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Bây giờ, trước hết Bộ trưởng tập trung vào nhóm vấn đề thứ nhất là tình trạng xâm phạm di tích lịch sử văn hóa diễn ra ở nhiều nơi, công tác quản lý cơ sở văn hóa còn bất cập. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phương hướng giải pháp khắc phục sắp tới là thế nào? Bộ trưởng nói trong 5 - 7 phút thôi và sau đó để các ĐBQH hỏi, rồi Bộ trưởng lại trả lời tiếp, đối thoại thì tập trung hơn.

Chính khách lập pháp chuyên nghiệp và trí tuệ nên không trình diễn. Chính khách lập pháp chất vấn không phải để đánh bóng thương hiệu cá nhân. Người hỏi dẫn dắt người trả lời trả lời đi vào bản chất vào trọng tâm của các nhóm vấn đề. Nên dù cho những vị tư lệnh hành pháp có thâm niên và kinh nghiệm ngồi trên ghế nóng của QH- cũng đã thay đổi thái độ, đối thoại thực chất và mềm dẻo với ĐBQH hơn. Thực chất thì các chính khách biết nhau cả. Nên người dẫn dắt "lối chơi" và người hỏi, dường như không cho cơ hội để người trả lời (dù là điêu luyện đến mấy) né tránh, vòng vo, câu giờ, thoái thác trách nhiệm. Ít và gọn, chuyên nghiệp và thực chất nên những nhóm vấn đề được Chủ tọa đặt lên bàn nghị sự của UBTVQH đã được các chính khách đi đến cùng. Hẳn, nhiều người vẫn còn nhớ: phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đang diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu câu hỏi và nói rõ yêu cầu rằng, câu chất vấn của Ông đối với tình trạng thiếu vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi, hồ đập- là muốn làm rõ công tác quản lý điều hành của Chính phủ. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận yêu cầu Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời câu hỏi của Ông. Tình huống này không có trong kịch bản, trước yêu cầu xác đáng và ngắn gọn của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cầu thị: "Giữa 2 kỳ họp QH  chúng ta chất vấn thường xuyên thì cập nhật được những vấn đề đang xảy ra ở ngoài xã hội, giúp cho Chính phủ giải đáp cũng như điều chỉnh hoặc bổ sung các chính sách cần thiết để đáp ứng yêu cầu của cử tri, yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Tôi thấy kết quả của buổi chất vấn hôm nay rất tốt…".

Tại UBTVQH, không phải người hỏi hỏi một câu rồi thôi, không phải người trả lời trả lời cho xong. Mỗi phiên chất vấn UBTVQH bố trí 3 Bộ trưởng trả lời nhưng ĐBQH không chỉ nêu câu hỏi với các tư lệnh ngồi ở ghế nóng mà đối thoại, tranh luận cùng lúc với nhiều thành viên của Chính phủ để làm sáng tỏ, mạch lạc các vấn đề và các nhóm vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Các chính khách có điều kiện để đi đến cùng vấn đề và đi đến cùng trách nhiệm.

Có lẽ, cũng vì để trọn vẹn hai từ "trách nhiệm" và "đi đến cùng trách nhiệm", mà người đứng đầu cơ quan lập pháp đã suy tư rằng, chọn chủ đề chất vấn như thế nào, chọn nội dung chất vấn ra sao và quyết định là ai sẽ trả lời chất vấn cho vừa mức UBTVQH? Cũng chính người đứng đầu cơ quan lập pháp tự giải tỏa suy tư của mình: UBTVQH chọn những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, nhân dân đang quan tâm, xã hội đang đòi hỏi cần phải giải quyết một cách thời sự và cấp bách. Từ đó thấy rõ được nguyên nhân, trách nhiệm, thấy rõ được hướng sắp tới phải xử lý, phải giải quyết tiếp, kịp thời nhắc nhở thúc giục các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện nghị quyết của QH. UBTVQH chưa ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nghị quyết phải đúng tầm, nếu ra nhiều nghị quyết quá, có khi người ta bảo lạm phát nghị quyết, nhưng phải theo dõi, giám sát việc thực hiện của các vị Bộ trưởng.  Những vấn đề mà Bộ trưởng đã thấy, đã tiếp thu thì phải triển khai thực hiện sớm, có kết quả cụ thể, trông thấy được, sờ mó được và lần sau Bộ trưởng báo cáo tại phiên chất vấn.

Ý tưởng cải tiến, ý tưởng đổi mới hoạt động giám sát tại UBTVQH của tổng tư lệnh cơ quan lập pháp căn cơ là vậy. Không ồ ạt, không cốt lấy số lượng. Qua mỗi chặng đường của thực tiễn, lại rút kinh nghiệm, lại tính thêm để mỗi cải tiến, đổi mới có chiều sâu hơn, thực chất hơn, sắc nét hơn và đổi mới có hệ thống hơn.

Phiên họp thứ Hai hai của UBTVQH bắt đầu vào sáng nay. Đây là lần thứ tư diễn đàn của cơ quan thường trực của QH sẽ lại nóng lên bởi các cuộc cọ xát, tranh luận giữa các nhà lập pháp và các thành viên Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Sẽ là diễn đàn của những tranh luận và cọ xát đầy thúc giục.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thúc giục từ diễn đàn cơ quan thường trực của QH
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO