Thực dụng

Huỳnh Vũ 19/12/2011 07:56

Nga đã khiến các cường quốc phương Tây ngạc nhiên khi trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) một bản dự thảo nghị quyết, trong đó phản đối các biện pháp bạo lực của Chính quyền Syria. Giới quan sát nhận định đây là một bước đi đầy thực dụng của Điện Kremlin nhằm bảo vệ hình ảnh và uy tín của Nga trong hồ sơ Trung Đông này.

Người ủng hộ Tổng thống Al Assad, bày tỏ sự cám ơn đối với lập trường của Nga
Người ủng hộ Tổng thống Al Assad, bày tỏ sự cám ơn đối với lập trường của Nga

Trong dự thảo nghị quyết về Syria, được Nga cho là cập nhật bản dự thảo nghị quyết được Nga và Trung Quốc đưa ra trước đó, Moscow mạnh mẽ lên án các hành vi bạo lực của “tất cả các bên, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực không phù hợp của chính quyền Damacus”. Bản dự thảo cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng cung cấp trái phép vũ khí cho các nhóm vũ trang gây bất ổn tại Syria. Tuy nhiên, Nga không đề xuất bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.

Ngay lập tức, phương Tây đã có những phản ứng đầu tiên. Mỹ tuyên bố sẽ nghiên cứu cẩn trọng văn kiện này và hy vọng có thể hợp tác với Nga. Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho rằng gọi đây là một “sự kiện đặc biệt” vì từ trước tới nay, Nga luôn giữ lập trường ủng hộ Syria.

Các nhà phân tích quốc tế nhìn nhận động thái này của Moscow là một nước cờ hết sức thực dụng của một quốc gia đang thấy mình càng bị cô lập khi ủng hộ một vương triều đang suy vong. Thực tế, sự chuyển hướng này cho phép Nga không quá cách biệt với phương Tây trong khi không cần từ bỏ lập trường của mình về phản đối các biện pháp trừng phạt hay can thiệp quân sự vào Syria. Rõ ràng, với dự thảo nghị quyết này, Nga đã tìm cho mình một lối đi riêng ở giữa – dung hòa được thái độ hiếu chiến của  phương Tây mà vẫn hạn chế được sự tức giận của đồng minh Syria.

Trước đó, Nga đã có thái độ cứng rắn khi cùng Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết về Syria do Đức, Anh, Pháp đệ trình, phản đối Liên đoàn Ảrập đình chỉ tư cách thành viên của Syria, quyết định tiếp tục bán vũ khí cho Syria, cử ba tàu chiến tiến vào vùng biển thuộc cảng Tartus của Syria đúng lúc LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết về Syria. Những động thái này được hiểu Nga sẽ không ngồi yên nhìn Syria rơi vào cảnh nguy hiểm.  Tuy nhiên, với số người thiệt mạng trong các trấn áp người biểu tình của chính quyền Damacus không ngừng gia tăng (khoảng 5.000 người trong 9 tháng qua), Kremlin đang chịu sức ép ngày càng gia tăng phải bỏ rơi Syria - một trong những đồng minh vững mạnh nhất của Nga tại khu vực Trung Đông. Dự thảo nghị quyết có thể được coi là bước đi nhỏ đầu tiên theo hướng này. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, để không quá bị cô lập với thế giới, Nga sẽ phải tạo cho thế giới cảm giác họ đang xa rời dần với Syria. Fyodor Lukyanov, phóng viên tờ “Russia in Global Affairs”, cho rằng Moscow phải điều chỉnh lập trường trong vấn đề Syria vì “đơn thương độc mã” ủng hộ Damacus khi cả thế giới quay lưng là điều không thể và không sáng suốt. Hành động của Nga cho thấy Moscow ủng hộ các giải pháp hòa đàm song phần nào giảm nhẹ vai trò là người bảo trợ cho chế độ của Tổng thống Basha Al Assad.

Tuy nhiên, Nga vẫn chứng tỏ cho Syria thấy họ không hoàn toàn bị bỏ rơi, thể hiện qua việc dự thảo tránh triệt để đề cập tới các biện pháp trừng phạt và can thiệp quân sự. Nói một cách rộng ra, Damacus vẫn có thể ngầm hiểu rằng Moscow vẫn phản đối phương Tây. Nga có lý do của mình để gắn bó với Syria. Damacus là nước bạn bè còn lại duy nhất của Moscow ở Trung Đông, đồng thời là một trong ba khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, thông qua việc ủng hộ Syria, Nga còn muốn thể hiện vai trò cường quốc thế giới. Những năm gần đây, việc phát đi tiếng nói không đồng điệu với phương Tây trong những vấn đề quốc tế trọng đại đã trở thành đặc điểm nổi bật của ngoại giao Nga. Trường hợp của Syria không phải là ngoại lệ.

Động thái này khiến giới quan sát liên hệ tới lập trường linh hoạt của Nga trước đây trong vấn đề Libya. Tại hội nghị thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển thế giới (G8) diễn ra ở Pháp đầu tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bất ngờ tuyên bố ủng hộ các cường quốc phương Tây trong việc thúc giục nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức. Khi đó, các nhà phân tích nhận định động thái này cho thấy Điện Kremlin không còn tin tưởng rằng Tổng thống Gaddafi có thể trụ vững lâu dài và sự sụp đổ của chế độ này chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì thế, Nga cần có thái độ linh hoạt hơn trong vấn đề Libya, thay vì sự phản đối cứng rắn không cần thiết. Sự thay đổi này được nhìn nhận là sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Moscow trước những diễn biến tình hình để bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất. So sánh hai sự kiện này, có thể thấy rằng Moscow đã hết sức thực dụng khi liên tục điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Thực dụng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO