Thúc đẩy xây dựng mạng lưới sản phẩm OCOP toàn cầu
Để cùng nhau phát triển hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cần nghiên cứu và thúc đẩy việc xây dựng một hệ sinh thái OCOP toàn cầu, tạo ra mạng lưới phát triển bền vững và thương mại hóa sản phẩm đặc trưng giữa các quốc gia; hệ sinh thái này không chỉ giúp đặc sản địa phương vươn xa hơn mà còn tạo điều kiện để các quốc gia toàn cầu học hỏi lẫn nhau.
OCOP - trụ cột chiến lược phát triển kinh tế nông thôn
Ngày 15/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo ngành nông nghiệp từ 17 quốc gia châu Á và châu Phi.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết, chính thức được Chính phủ Việt Nam triển khai từ năm 2018, chương trình OCOP đã phát triển cộng đồng và kinh tế khu vực nông thôn thông qua phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; tinh thần tự chủ, khả năng sáng tạo của mỗi người dân, mỗi cộng đồng để gia tăng giá trị, hình thành các sản phẩm đặc trưng, mang bản sắc của mỗi địa phương, mỗi vùng, miền.
Tầm nhìn của Việt Nam về OCOP là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà còn là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường.
Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam có hơn 16.800 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng, bao bì và thương hiệu; hơn 60% chủ thể ghi nhận doanh thu tăng trung bình 18%/năm. Hàng triệu việc làm được tạo ra, góp phần đáng kể vào nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ, sau hơn 7 năm triển khai, chương trình OCOP của Việt Nam không chỉ góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, mà còn hiện thực hóa 4 mục tiêu cốt lõi - "Bốn Tốt hơn" của FAO là sản xuất tốt hơn; dinh dưỡng tốt hơn; môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, xác định và phát huy lợi thế sản phẩm chiến lược của từng địa phương, từng quốc gia, trên cơ sở tôn trọng bản sắc, khai thác bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu.
Phó Tổng Giám đốc FAO Beth Bechdol đánh giá cao sáng kiến OCOP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2018. OCOP không chỉ là động lực phát triển kinh tế địa phương mà còn là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng nông nghiệp bền vững. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng chống chịu và thúc đẩy chia sẻ tri thức giữa các quốc gia là chìa khóa để châu Á và châu Phi cùng hành động, cùng tiến về phía trước.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các văn phòng FAO đang tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP, nâng cao năng lực địa phương và đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ra thị trường toàn cầu; bà Beth Bechdol khẳng định, OCOP đang dần trở thành một trụ cột chiến lược trong phát triển kinh tế nông thôn khu vực.
Thông qua sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế), tổ chức FAO đang hỗ trợ phát triển 56 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân và phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị văn hóa từng địa phương. FAO cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia châu Phi trong cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng. Thông qua hợp tác ba bên có thể cùng nhau biến những thách thức tại châu Phi thành cơ hội phát triển, cùng nhau xây dựng mạng lưới lương thực thực phẩm xanh, minh bạch và bền vững.
Tăng tốc xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Bộ trưởng Nông nghiệp Malawi, Samuel Dalitso Kawale cho biết, OCOP đã giúp Malawi bảo vệ ngành công nghiệp chuối, một trụ cột kinh tế quan trọng khỏi sự tấn công của virus. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề sản xuất, mà còn là mối đe dọa đến sinh kế, dinh dưỡng, nguồn ngoại tệ và bản sắc nông nghiệp của đất nước. OCOP không chỉ mang lại một giải pháp mà còn mang lại một lộ trình để phục hồi và phát triển toàn diện.

Cũng theo Trưởng phòng Thí nghiệm Trung ương, Bộ Nông nghiệp Ai Cập Ezzeldin Gadallahm, hiện Ai Cập đã chọn cây chà là làm sản phẩm OCOP ưu tiên mang theo niềm tin sâu sắc vào tầm quan trọng chiến lược của nó. Cây chà là không chỉ là một trụ cột nông nghiệp truyền thống, mà còn hứa hẹn mang lại các lợi ích kinh tế, tạo việc làm và nâng cao giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
Thời gian tới, các quốc gia đều mong muốn có sự hợp tác sâu rộng hơn với Việt Nam để cùng trao đổi kiến thức về phát triển sản phẩm OCOP.
Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp TS. Nguyễn Minh Tiến cho biết, thành công của OCOP sẽ không được ghi nhận nếu sản phẩm không đến được tay người tiêu dùng. Hiện, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho chương trình OCOP.
Các sản phẩm OCOP Việt Nam đã được tiêu thụ qua nhiều kênh như siêu thị, chợ truyền thống, hệ thống các điểm bán OCOP, du lịch - sự kiện, thương mại điện tử (Shopee, Amazon, Alibaba, Tiki, TikTok Shop…). Nhiều sản phẩm được xuất khẩu thành công như: miến dong Tài Hoan, cà phê Bích Thao, nước mắm Lê Gia, gạo ST25…
Tuy nhiên, ông Tiến cũng nêu rõ, chương trình OCOP của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản khi phần lớn chủ thể OCOP là hộ cá thể, hợp tác xã nhỏ, sản xuất thủ công nên khó đáp ứng đơn hàng lớn, chưa tận dụng được nền tảng số. Nhiều nơi chưa có gian hàng điện tử, thiếu nhân lực vận hành, chưa gắn thương hiệu với mạng xã hội nên khó tiếp cận người tiêu dùng trẻ và thị trường toàn cầu....
Để khắc phục những bất cập trên, Việt Nam đã triển khai một loạt giải pháp chiến lược như chuẩn hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường. Phát triển thương hiệu OCOP quốc gia; chuyển đổi số toàn diện cho OCOP...; ông Tiến nhấn mạnh, người tiêu dùng phải được trải nghiệm sản phẩm tận tay, đó là cách tốt nhất để OCOP lan tỏa giá trị và xây dựng thương hiệu Việt.
Để cùng nhau phát huy mô hình OCOP hiệu quả, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất FAO nghiên cứu việc thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ và thị trường giữa các quốc gia để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững. Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng FAO và các đối tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, sẵn sàng giới thiệu mô hình, công cụ, bài học với các quốc gia quan tâm.