Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH: Gắn kết giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật
Có thể khẳng định, Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thể hiện rõ được thông điệp và là cây cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Với số lượng 9 luật và 11 nghị quyết được thông qua tại 2 kỳ họp, Quốc hội Khóa XV đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính ưu việt của các luật, nghị quyết đã được khẳng định. Tuy nhiên, để luật sớm đi vào cuộc sống thì khâu tổ chức thi hành đóng vai trò hết sức quan trọng. Tôi tin tưởng, sau hội nghị này việc triển khai thực hiện sẽ được tiến hành rất khẩn trương, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương, nhất là với những địa phương đang trong giai đoạn vàng của sự phát triển như Bắc Giang. Đơn cử như những quy định mới được thể chế hóa tại Luật Đất đai (sửa đổi). Thực tế cho thấy, thực hiện Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là các công trình giao thông, xây dựng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Luật cũng bộc lộ hạn chế, tồn tại, thiếu đồng bộ, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững, đặc biệt có nhiều văn bản còn chồng chéo, còn chưa thống nhất.
Do đó, tỉnh Bắc Giang rất mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng các quy định mới tại dự án luật quan trọng này khi có hiệu lực sẽ giúp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất… Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và giải quyết căn cơ bài toán hiệu quả, hiệu lực và đồng bộ, cần khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý liên quan, nhất là về hướng dẫn thi hành. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thành lập Tổ công tác hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 cho các tỉnh, thành trên cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương; tổ chức tập huấn, phổ biến, tuyên truyền về Luật Đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân để luật sớm đi vào cuộc sống và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế NGUYỄN THỊ ÁI VÂN:Tiếp tục tuyên truyền mạnh hơn về các luật, nghị quyết
Tiếp nối thành công của Hội nghị triển khai luật nghị quyết lần thứ Nhất, Hội nghị lần này tiếp tục triển khai những nội dung mới, những vấn đề được Quốc hội giao cho Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện. Đây là cách làm nhằm cụ thể hóa Kết luận số 19/KL-TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết quy định về các lĩnh vực hết sức quan trọng, như: đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; các tổ chức tín dụng; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Có thể thấy rằng, đây đều là những văn bản quy phạm pháp luật có tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và cử tri cả nước. Với tầm quan trọng như vậy, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trong công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ hai này. Tin tưởng rằng, ngay sau hội nghị, các bộ ngành, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các luật, nghị quyết này để triển khai thực hiện, góp phần thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Nam TRÌNH MINH ĐỨC: Công tác thi hành luật, nghị quyết được đặc biệt quan tâm
Việc tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa việc xây dựng ban hành các điều luật và việc thực thi luật. Từ đó, đưa các quy định vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Với một khối lượng lớn các dự án luật được Quốc hội thông qua, việc thực thi ra sao đã được đặc biệt quan tâm, giám sát, đôn đốc. Điều này cũng thể hiện tinh thần không ngừng đổi mới, chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi tổ chức, điều hành hội nghị.
Đáng chú ý, trong số các dự án luật và nghị quyết được triển khai trong hội nghị lần này, có Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo Luật có ý nghĩa rất lớn, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện hữu để khơi thông nguồn lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, đi kèm với Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều luật khác cũng cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đồng bộ hơn, chặt chẽ hơn trong các luật. Đặc biệt, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Hội nghị đã ghi nhận được những ý kiến tâm huyết, xuất phát từ thực tiễn, không chỉ giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện luật bảo đảm tính chính xác, khách quan, công bằng mà còn giúp tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai các luật, nghị quyết ở cơ sở. Bên cạnh đó, thông qua hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cũng đã nắm bắt những điểm mới, những nội dung trọng tâm của luật, nghị quyết. Tôi tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật, các quyết sách của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển đất nước, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân.