Tham vấn công chúng qua internet

Thúc đẩy tương tác giữa chính quyền với công dân

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:34 - Chia sẻ

Trong khoảng hai thập kỷ qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã cố gắng mở rộng khả năng tương tác giữa chính quyền với công dân, thu hút sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng chính sách, pháp luật thông qua internet. Một loạt thuật ngữ mới ra đời như chính phủ điện tử (E-government), chính phủ mở (Opened goverment), chính phủ 2.0 (Government 2.0), dân chủ điện tử (E-democracy), công dân điện tử (E-citizenship), chính phủ số (digital government), dân chủ từ xa (teledemocracy), dân chủ trên không gian mạng (cyberdemocracy). Ban đầu, thuật ngữ chính phủ điện tử chủ yếu có hàm ý việc cung cấp thông tin và dịch vụ của chính quyền đến người dân. Tuy nhiên, do “khủng hoảng niềm tin vào dân chủ đại diện”, người ta chú ý đến việc sử dụng các công cụ internet có tính tương tác cao để tham vấn công chúng và thu hút sự tham gia của công dân.

 

Báo cáo nghiên cứu của Tổ chức các nước phát triển (OECD) năm 2003 coi tham vấn qua mạng là một trong ba yếu tố của chính phủ điện tử. Còn một nghiên cứu về chính phủ điện tử ở Australia chỉ ra một trong ba mục tiêu của chính phủ điện tử là sự tham gia của công chúng. Một số người khác phân biệt việc cung cấp dịch vụ trực tuyến của chính phủ với tham vấn công chúng và thu hút sự tham gia của công chúng qua internet, gọi đó là dân chủ điện tử. Theo định nghĩa của một nhà nghiên cứu, dân chủ điện tử là “việc sử dụng các công nghệ mạng để thu hút công dân thảo luận, tranh luận, tham vấn và biểu quyết trên mạng”.

 

Mức độ tham gia của công dân vào chính trị có khác nhau theo các mô hình dân chủ như dân chủ trực tiếp hay dân chủ đại diện, theo đó dân chủ trực tiếp là khi công dân trực tiếp quyết định các vấn đề của quốc gia hay địa phương bằng cách bỏ phiếu, còn dân chủ đại diện là họ bầu ra các chức danh công quyền để quyết về những vấn đề đó. Theo cách phân loại khác, có ba mô hình dân chủ: dân chủ tự do coi trọng sự tự do của công dân trong việc tham gia biểu quyết, thể hiện chính kiến; dân chủ cộng hòa gần với dân chủ đại diện; dân chủ tranh luận nhấn mạnh sự tham gia tích cực của công dân vào việc thảo luận về các vấn đề chính trị. Mô hình dân chủ tranh luận phù hợp với dân chủ đại diện vì nó giúp cho các nhà đại diện không bị tách biệt khỏi xã hội, phản ánh quan điểm của công dân về các vấn đề chính sách. Yếu tố chính của nền dân chủ tranh luận là một khoảng không gian công cộng mà ở đó công dân có thể thoải mái thể hiện ý kiến, quan điểm về các vấn đề chung, tranh luận với nhau một cách hợp lý để đạt được đồng thuận.

Ở các nước phương Tây, tham vấn công chúng được hiểu là việc thảo luận, cân nhắc các ý kiến, quan điểm của các nhóm then chốt trong xã hội và các chủ thể chính trị chính như các nghị sĩ được bầu, các nghiệp đoàn, các nhà vận động hành lang, nhà báo. Theo truyền thống, tham vấn công chúng được tiến hành bằng các hình thức như gửi ý kiến bằng văn bản, điều trần, các cuộc gặp với công dân theo phong cách chính thống, trang trọng. Trong khi đó, việc thảo luận các vấn đề chính sách trong môi trường trực tuyến diễn ra một cách cởi mở hơn, nhanh hơn và thường mà nhiều ý kiến trái ngược nhau hơn.

Theo một nghiên cứu ở Anh, chỉ có 13% cư dân mạng là người lớn tích cực tham gia vào đời sống chính trị, 52% thụ động, và 33% lặng lẽ theo dõi. Còn một nghiên cứu khác cho biết, có đến 90% người sử dụng internet ẩn mình, chỉ có 10% tích cực tham gia trong môi trường trực tuyến. Lo ngại trước việc công chúng ít quan tâm tham gia vào chính trị, suy giảm niềm tin vào chính trị gia và các thiết chế đại diện, chính phủ các nước và các chuyên gia chú ý nhiều hơn đến tiềm năng của kênh giao tiếp trực tuyến qua internet nhằm bù đắp khoảng trống này.

Lê Anh