Nâng cao năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ
Cục Công thương địa phương cho biết, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2023 được phê duyệt (bao gồm khuyến công quốc gia và địa phương) của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan là 345,7 tỷ đồng; tăng 7,02% so với thực hiện năm 2022 (323 tỷ đồng).
Trong đó, khuyến công quốc gia kinh phí được giao 140 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước (không tăng so với kế hoạch và được phân bổ kinh phí năm 2022 là 140 tỷ đồng). Tính đến tháng 9 năm 2023, đã ký hợp đồng triển khai thực hiện được 108/132 đề án khuyến công quốc gia, với kinh phí 106 tỷ đồng, đạt 75,71% so với kế hoạch đã được phân bổ. Các đề án còn lại đang được triển khai công tác đấu thầu theo quy định hoặc đề nghị ngừng, điều chỉnh.
Về khuyến công địa phương, kinh phí được giao là 205,7 tỷ đồng, chiếm 59,5% tổng kinh phí khuyến công cả nước (tăng 0,09% so với kế hoạch năm 2022 là 205,5 tỷ đồng).
Từ đầu năm tới nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã tổ chức thực hiện 3 đề án khuyến công điểm trong các lĩnh vực dệt may, cơ khí, lâm sản; xây dựng và triển khai 3 đề án nhóm về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực chế biến nông sản; chế biến thủy hải sản và sản xuất bao bì đóng gói.
Cùng với đó, hỗ trợ các cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa sản phẩm nhằm quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… thông qua môi trường internet. Ngoài ra, IPC1 còn tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh, tiếp cận thị trường, khách hàng.
Năm 2024 và những năm tiếp theo, IPC1 sẽ tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, giúp các cơ sở đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số; quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước…
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện các đề án điểm về hỗ trợ phát triển ngành dệt may, cơ khí, chế biến các sản phẩm từ gỗ và tre nứa. Triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở. Xây dựng các đề án nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản; sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng… cùng các nhiệm vụ khác được giao.
Đẩy mạnh chính sách khuyến công
Theo Sở Công thương Đà Nẵng, trong năm 2023, với những hoạt động thiết thực, nội dung phong phú như hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, hỗ trợ sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia chương trình sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, kết nối giao thương trong và ngoài nước... chương trình khuyến công đã thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư, cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại; hướng đến áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn; đồng thời, tăng cường, kết nối, hợp tác, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường.
Để hoạt động khuyến công ngày càng hỗ trợ thiết thực hơn trong những tháng cuối năm và năm 2024, Sở Công thương Đà Nẵng kiến nghị Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương ưu tiên hỗ trợ đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất được xây dựng theo dạng đề án riêng (không lập theo đề án nhóm). Việc thực hiện đề án mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong những năm qua đem lại nhiều kết quả thiết thực, được doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Do đó, Sở Công thương Đà Nẵng đề nghị Bộ Công thương tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai loại đề án trên.
Đến nay, Bình Dương vẫn chưa thực hiện được đề án khuyến công điểm trong nhiều năm liên tục và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức trong một bộ phận cán bộ các cấp, các ngành về công tác khuyến công chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Kinh phí khuyến công được cấp hàng năm tương đối thấp so với nhu cầu thụ hưởng ngày càng cao của các cơ sở công nghiệp nông thôn...
Nhằm bảo đảm công tác khuyến công hiệu quả trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp Bình Dương đề xuất, Cục Công thương địa phương mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách khuyến công về kỹ năng xây dựng đề án, thẩm định nội dung và kinh phí hỗ trợ. Qua đó, giúp cán bộ quản lý khuyến công hiểu đúng và đủ các quy định, hướng dẫn khi thực hiện công việc; tránh phát sinh thủ tục và chi phí không đáng có. Bên cạnh đó, Cục cũng tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2012/NĐ-CP mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn nằm trong làng nghề truyền thống thuộc thành phố loại I.