Kích thích tiêu dùng trong nước, tạo điều kiện để hàng Việt “cất cánh”
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương Lê Việt Nga, trong quá trình tăng trưởng của thị trường nội địa, hệ thống phân phối đã tập trung tiêu thụ hàng Việt qua đó góp phần kích thích sản xuất trong nước. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, hiện trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở thành thị, nông thôn hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%.
Liên quan đến việc mở rộng hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt bởi mỗi cửa hàng, siêu thị sẽ tạo điều kiện cho hàng chục ngàn sản phẩm, hàng Việt có nơi trao đổi, mua bán trực tiếp với người tiêu dùng bởi những siêu thị nội đều có những chính sách ưu tiên cho hàng Việt trên quầy kệ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa. Bà Hậu cũng cho rằng, để hàng hoá vào được những kênh phân phối này, nhà sản xuất phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn liên quan đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là yếu tố xanh của sản phẩm.
Nhận định về ngành bán lẻ nội địa, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024, trong đó thị trường bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều dư địa cho các nhà bán lẻ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực.
Nhìn nhận về lợi ích mà thị trường nội địa mang lại trong quá trình tiêu thụ hàng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế) nhận định, việc gia tăng điểm bán, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã sớm nhìn thấy và đón đầu xu hướng bùng nổ của thị trường bán lẻ Việt Nam với tiềm năng lớn chưa được khai thác triệt để. Đây sẽ là động lực để bán lẻ nội địa hướng tới tiêu chuẩn cao hơn, bảo vệ và phát triển thương hiệu.
Phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, kích cầu sử dụng hàng Việt
Theo Bộ Công Thương, sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các doanh nghiệp phân phối, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam được cải tiến rất nhiều, mẫu mã đẹp, giá thành hợp lý… giúp người tiêu dùng biết và tin tưởng sử dụng sản phẩm hơn.
Tuy nhiên, các sản phẩm Việt đều có tình trạng chung là chất lượng, mẫu mã và giá cả chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…
Để các sản phẩm Việt hấp dẫn hơn với người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần phải đặt quyền lợi của người tiêu dùng vào trung tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc thông tin minh bạch về sản phẩm.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng để nâng cao vị thế của hàng Việt, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.
Cùng với đó, cần chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển phương thức thương mại điện tử. Đối với các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ; chủ động hợp tác, liên kết, tạo chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh...