Những thành tựu đáng kể
Chính phủ Indonesia luôn có hàng loạt sáng kiến mới được đưa ra tập trung vào việc cải thiện các chương trình bảo trợ xã hội. Những nỗ lực này nhằm mục đích hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn và hướng dẫn họ thoát nghèo để hướng tới trao quyền kinh tế. Nhưng khi bắt đầu triển khai, điều quan trọng là phải giải quyết các khía cạnh chính như phân bổ ngân sách, xác định người thụ hưởng, giải ngân hiệu quả và tác động rộng hơn.
Indonesia đã liên tục thể hiện cam kết đối với các chương trình bảo trợ xã hội, với mức phân bổ trung bình 16% ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2013 - 2023, tạo điều kiện giảm nghèo đáng kể. Các sáng kiến mới tập trung vào giáo dục, bảo hiểm y tế và năng lực của lực lượng lao động. Đề án mới nhất được đề xuất là chương trình ăn trưa miễn phí nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp và kích thích nền kinh tế địa phương.
Khi cựu Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền vào năm 2014, Indonesia đã chứng kiến những sáng kiến bảo trợ xã hội mang tính thay đổi. Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ tiền mặt có mục tiêu cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, cung cấp trợ cấp và học bổng cho sinh viên từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời chi trả phí bảo hiểm y tế cho 97 triệu cá nhân. Và vào nhiệm kỳ thứ hai của ông Joko Widodo năm 2019 đã mở ra Chương trình Kartu Prakerja, nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động và thúc đẩy tinh thần kinh doanh.
Indonesia đã kiên định cam kết bảo trợ xã hội, phân bổ trung bình 16% ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2013 - 2023. Vào năm 2024, với tổng ngân sách nhà nước là 216 tỷ USD, khoảng 15% đã được dành cho các chương trình bảo trợ xã hội. Khoản đầu tư bền vững này đã góp phần tạo nên tiến bộ đáng kể trong công cuộc giảm nghèo, với tỷ lệ nghèo cùng cực giảm từ 7,3% năm 2013 xuống 1,5% vào năm 2023. Mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2024 phản ánh sự cống hiến của nước này trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Phần lớn nhất của ngân sách phân bổ cho bảo trợ xã hội được hướng tới trợ cấp năng lượng - tổng trị giá 12 tỷ USD - tương đương 38% ngân sách bảo trợ xã hội được phân bổ. Những khoản trợ cấp này bao gồm các nhu cầu thiết yếu như nhiên liệu, gas nấu ăn và điện. Khoản kinh phí còn lại được phân bổ cho các chương trình khác, bao gồm trợ cấp phi năng lượng, bảo hiểm y tế quốc gia, hỗ trợ lương thực và chuyển tiền mặt có điều kiện.
Indonesia đã có những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy giải ngân bảo trợ xã hội, thông qua việc tích hợp cơ sở dữ liệu phúc lợi xã hội với cơ sở dữ liệu nhận dạng quốc gia, nhắm tới 40% dân số có hoàn cảnh khó khăn nhất để xác định và tiếp cận những người có nhu cầu. Việt Nam cũng đã áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số trong giải ngân bảo trợ xã hội, chuyển từ tiền mặt sang tài khoản tiết kiệm và từ hiện vật sang chứng từ điện tử, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch.
Tác động tích cực của chương trình
Theo đó, Tân Tổng thống Prabowo Subianto đang chuẩn bị triển khai chương trình bữa trưa miễn phí, cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Mục tiêu chính là giải quyết tình trạng thấp còi, bằng cách cung cấp các bữa ăn đủ dinh dưỡng và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Chương trình này nhằm mục đích kích thích các cơ hội kinh tế bằng cách hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ và các nhà sản xuất thực phẩm địa phương để cải thiện an ninh lương thực. Việc mở rộng lĩnh vực thực phẩm dự kiến sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, góp phần phát triển kinh tế chung. Để cung cấp bữa ăn toàn diện cho 82,9 triệu học sinh, chương trình này sẽ cần có nguồn vốn ban đầu lên tới 7,6 tỷ USD, tương đương 3,5% ngân sách nhà nước vào năm 2024.
Chương trình tương tự này đã được triển khai tại 76 quốc gia, mang lại lợi ích cho 418 triệu trẻ em trên toàn thế giới bằng cách cung cấp các bữa ăn thiết yếu. Tác động này vượt ra ngoài phạm vi nguồn dinh dưỡng, đóng vai trò như chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực, giúp kích thích sản xuất nông nghiệp, củng cố nền kinh tế địa phương và tạo ra hàng triệu việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ trong các vai trò như nấu ăn và phục vụ ăn uống. Các chương trình này cũng nâng cao kết quả giáo dục, bằng chứng là số lượng sinh viên đăng ký tăng lên, tỷ lệ đi học được cải thiện và khả năng giữ chân sinh viên được nâng cao.
Trong đó, vào năm 1943, Phần Lan là quốc gia dẫn đầu chương trình bữa ăn miễn phí tại trường học. Cốt lõi của sự thành công chính là tinh thần hợp tác, cũng như sự tin tưởng được chia sẻ giữa chính quyền, thành phố và trường học. Với hệ thống quản lý nhà bếp tinh vi, Phần Lan đã tuân thủ các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và tài chính. Hơn nữa, học sinh cũng được trao quyền đưa ra phản hồi về các bữa ăn được phục vụ nhằm đưa ra những cải tiến và đáp ứng nhu cầu của họ.
Bài học từ các nước
Để đạt được những thành công trong chương trình này, Indonesia cần rút ra được những bài học từ các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển. Theo đó, những khó khăn đến từ nguồn lực hạn chế, cơ sở hạ tầng, các rào cản về địa lý như các địa điểm xa xôi cũng tạo ra những thách thức về mặt hậu cần trong việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm, trong khi các sắc thái văn hóa đa dạng và sở thích về chế độ ăn uống đòi hỏi phải xem xét cẩn thận trong thiết kế chương trình. Hơn nữa, nhận thức và vận động cộng đồng chưa đầy đủ cũng sẽ làm trầm trọng thêm những thách thức này, vì vậy Indonesia cần có một chiến lược toàn diện.
Mặc dù, Indonesia có thể sẽ không gặp trở ngại đáng kể trong việc bắt đầu phân bổ ngân sách cho chương trình vì các cuộc thảo luận liên quan đến phân bổ ngân sách đã được bắt đầu ở Jakarta, tuy nhiên việc giải ngân hiệu quả sẽ cần có chiến lược tổng hợp và sự hợp tác giữa các bên liên quan. Rút kinh nghiệm từ các quốc gia khác và điều chỉnh cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh của Indonesia có thể nâng cao việc thiết kế và thực hiện sáng kiến này.
Khi quốc gia thực hiện những giai đoạn tiếp theo của hành trình bảo trợ xã hội, điều quan trọng là phải nhận ra tiềm năng chuyển đổi của các chương trình này ngoài mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định rằng, việc bảo trợ xã hội đã đến lúc được coi là yếu tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, chứ không chỉ là mạng lưới an toàn cho những người dễ bị tổn thương.
Theo East Asia Forum