Đa dạng các hình thức kích cầu hàng Việt
Sở Công Thương TP. Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là đẩy mạnh các sự kiện quảng bá hàng Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với các hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại… Cụ thể như: hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn, triển khai cơ chế, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên các sàn như Shopee, Lazada… Bên cạnh đó là phối hợp với các tỉnh tổ chức liên kết vùng, quảng bá và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP. Thực hiện chương trình bình chọn hàng Việt, khuyến mại tập trung, tổ chức tuần hàng Việt tại ngoại thành và khu công nghiệp, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền giúp người tiêu dùng tiếp cận, tin tưởng và ưu tiên sử dụng sản phẩm Việt. Các giải pháp trên đã góp phần khẳng định chất lượng hàng Việt, thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt trên thị trường.
Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, Sở đã phối hợp tổ chức chương trình quảng bá hàng Việt với chủ đề Lễ hội "Tự hào đặc sản Việt" cùng doanh nghiệp lớn bán lẻ Thái Lan Central Retail, trong đó giới thiệu các sản phẩm ẩm thực, đặc sản vùng miền như: Bún Thang, bún chả Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, bún đậu mắm tôm (miền Bắc); Mì Quảng, bún bò Huế (miền Trung); hủ tiếu Nam Vang, bánh canh ghẹ, bún mắm, bánh tráng trộn Tây Ninh (Miền Nam)…tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó là các sản phẩm OCOP như: Bún gạo Minh Dương (Hà Nội), gà kiến Sơn Hà (Quảng Ngãi), nước mắm Khải Hoàn (Phú Quốc)…Sự kiện diễn ra tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C, TopsMarket trên toàn quốc của Central Retail.
Sở Công Thương đánh giá, việc phối hợp cùng với các doanh nghiệp lớn với kênh phân phối rộng khắp cả nước sẽ là cơ hội lớn để nâng tầm hàng Việt, mang các sản phẩm Việt chất lượng đến với đông đảo người tiêu dùng cả nước cùng giá cả cạnh cạnh. Đại diện tập đoàn Central Retail Việt Nam, phụ trách Thương mại ngành thực phẩm tươi sống cho biết, Central Retail đã đẩy mạnh quảng bá các chương trình quảng bá hàng Việt trong thời gian qua khi trên 90% hàng hóa trên quầy kệ siêu thị của hệ thống bán lẻ này là hàng sản xuất trong nước. Điều này được thực hiện thông qua việc thúc đẩy tiêu thụ mua nông sản tại các vùng miền địa phương; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn…
Đại diện Central Retail nhấn mạnh, thông qua sự kiện người tiêu dùng có cơ hội khám phá nền ẩm thực độc đáo từ khắp các vùng miền của Việt Nam, các đặc sản tươi ngon từ nhiều vùng miền của Tổ quốc, từ đó thêm yêu, tự hào về đất nước, con người Việt Nam, các sản phẩm “Made in Viet Nam” hơn nữa.
Đại diện Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh, đơn vị tham dự lễ hội “Tự hào đặc sản Việt” cho biết, các sản phẩm gạo ST25 ruộng rươi hữ cơ, gạo nếp cái hoa vàng, bánh khoai, bánh dày, vỏ bưởi sấy mật ong,… là những sản phẩm tiêu biểu, đặc sản vùng miền thông qua chương trình giới thiệu tới người tiêu dùng, để người Việt được thưởng thức các sản phẩm tinh hoa, chất lượng nhất từ nông sản Việt.
Nâng cao uy tín, nhận diện thương hiệu Việt trong mắt người tiêu dùng
Nhằm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Sở Công thương TP. Hà Nội tiếp tục triển khai các nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, góp phần tăng tổng mức bán lẻ, đặc biệt là đẩy mạnh các sự kiện quảng bá hàng Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với các hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, bảo đảm người tiêu dùng Thủ đô có thể tiếp cận các đặc sản vùng miền một cách dễ dàng, an toàn nhất. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín, nhận diện thương hiệu ngày càng cao trong mắt người tiêu dùng. Đây còn là giải pháp hiệu quả nhằm kích cầu, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt.
Vừa qua, tại Công viên Long Biên (Hà Nội), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Sự kiện với trên 100 gian hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, còn có các khu trưng bày, trải nghiệm sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề với hơn 1.000 sản phẩm các loại đến từ 38 tỉnh trên cả nước, trong đó có 19 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đồng thời cũng đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người “Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Bùi Quang Hưng cũng cho biết, thời gian qua Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động kết nối thị trường, giao thương, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương và các đặc sản vùng miền.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến, kết nối đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP. Hà Nội trong việc triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như Chỉ thị Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27.8.2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.