Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn - Chủ nhiệm Đề tài và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết, tại Hội thảo “Thực trạng chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay” tổ chức sáng 27.9, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận về thực trạng chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ hiện nay và những hạn chế, bất cập đặt ra, trong đó trọng tâm phân tích, đánh giá về những hạn chế, bất cập về Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các quy định khác có liên quan, Đồng thời, xác định rõ cơ sở chính trị, pháp lý hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ trong bối cảnh hiện nay; chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam...
Tại Hội thảo, các chuyên gia tập trung cho ý kiến về quan điểm, định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay. Đồng thời, đưa ra các đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản khác có liên quan; giải pháp hoàn thiện các quy định về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư, tài chính cho khoa học công nghệ; tổ chức và thị trường khoa học công nghệ...
Ủy viên Thường trực Nguyễn Ngọc Sơn cũng nêu rõ, dự kiến, dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười. Do đó, mục tiêu nghiên cứu của Đề tài hướng tới là đưa ra những kiến nghị, phương hướng cụ thể, thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, trong đó cốt lõi là phục vụ việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến các lĩnh vực, việc sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ để khắc phục các vướng mắc, bất cập là hết sức cần thiết.
Nêu quan điểm, định hướng sửa đổi, các ý kiến đề nghị, phải bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giữa dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) với hệ thống pháp luật nói chung; tránh tình trạng mâu thuẫn, xung đột giữa các luật. Đồng thời, thúc đẩy sự gắn kết giữa khoa học công nghệ với các ngành, lĩnh vực chiến lược; những thành tựu nghiên cứu phải có tính ứng dụng cao trong thực tiễn; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm tới nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó tập trung tháo gỡ về nguồn lực và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học công nghệ. Nguồn lực tài chính cho khoa học công nghệ phải thúc đẩy đầu tư của xã hội cho khoa học công nghệ. Cơ chế phân bổ ngân sách cho khoa học công nghệ phải có trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải; khắc phục hành chính hóa trong phân bổ, quản lý, phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới.