Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội đến năm 2025.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp theo chuỗi sản xuất cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trên cả nước.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tăng cường thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, toàn Thành phố có trên 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hoàn thành mục tiêu tại Quyết định số 2316/QĐ-UBND ngày 05/6/2020 của UBND TP. Hà Nội; khoảng 40% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 12%.
Để hiện thực hoá mục tiêu trên, TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở ngành, các địa phương kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Hà Nội sẽ tổ chức 2 Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2025 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng/1 hội chợ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nước ngoài; tổ chức hội thảo xúc tiến thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hoạt động công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình cũng sẽ được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất. Đặc biệt là nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu...
Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ tổ chức các Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội năm 2025. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng.
Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng với nguồn kinh phí thực hiện Chương trình. Phối hợp với Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp - Cục Công nghiệp triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Trung ương do Bộ Công Thương thực hiện trên địa bàn thành phố, liên kết hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước về thực hiện Chương trình…
Để Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu
Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đưa ra định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp, theo đó Hà Nội đặt mục tiêu trở thành Trung tâm hàng đầu công nghiệp bán dẫn; trung tâm đi đầu công nghệ tin học/AI; phát triển sản phẩm nghề truyền thống; công nghệ hóa, dược, mỹ phẩm; công nghệ cao mới nổi/ hydrogen và công nghệ sinh học.
Hà Nội cũng định hướng không gian công nghiệp tập trung vào 4 khu vực, bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm, sẽ di dời các cơ sở sản xuất ra ngoài khu đô thị trung tâm. Phát triển các ngành công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất mỹ phẩm, dược liệu và dành không gian cho các hoạt động cộng đồng; khu vực phía Tây Thủ đô ưu tiên đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, hóa dược, mỹ phẩm; công nghệ điện tử, cơ điện tử; chế tạo máy móc, cơ khí chính xác, vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật; vật liệu xây dựng, nội thất cao cấp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khu vực phía Bắc Thủ đô ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, cơ khí chế tạo, vật liệu kỹ thuật; hóa dược - mỹ phầm; chế biến nông sản thực phẩm chất lượng cao và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Khu vực phía Nam Thủ đô khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo và công nghiệp đường sắt; công nghiệp hỗ trợ phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại trên toàn cầu cùng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành và Thành phố đã giúp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội phục hồi tích cực, lấy lại đà tăng trưởng. Thậm chí, có ngành đạt tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19. Đây cũng là dấu hiệu tích cực để doanh nghiệp tự tin trong những tháng cuối năm 2024 và sẵn sàng bước sang năm 2025.
"Đồng hành với doanh nghiệp, Sở Công Thương đã triển khai kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế", ông Nguyễn Đình Thắng nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thành phố Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố. UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp trên.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng chú trọng triển khai chính sách về lãi suất tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên...; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện…tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.